Áp lực và trách nhiệm

Bình Minh| 28/08/2019 09:16

Năm học mới 2019-2020, chỉ tính riêng huyện vùng sâu Đắk Glong, số lượng học sinh các cấp tăng so với năm học trước lên tới 2.800 học sinh. Dù chưa có con số thông kê chính thức nhưng dự kiến năm nay, số lượng học sinh tăng về mặt cơ học trên địa bàn toàn tỉnh sẽ rất lớn so với năm học 2018-2019.

ADQuảng cáo

Số lượng học sinh tăng cao rõ ràng là một áp lực không hề nhỏ đối với ngành Giáo dục tỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa với số lượng lớp học, sĩ số từng lớp học sẽ tăng theo, đi kèm theo đó là đòi hỏi ngành Giáo dục phải đáp ứng từ cơ sở vật chất trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên.

Trước những áp lực đó, để đáp ứng tốt nhất cho việc dạy và học, không chỉ trong năm học này mà từ nhiều năm học qua, ngành Giáo dục tỉnh đã linh hoạt sắp xếp, bố trí, đầu tư, trang bị từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất.

Chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, từ các nguồn vốn khác nhau, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tổng kinh phí 234,4 tỷ đồng để xây mới 247 phòng học và sửa chữa nhiều công trình phụ khác. Ngành Giáo dục cũng được đầu tư 19,5 tỷ đồng để mua sắm sách giáo khoa, vở viết và trang thiết bị tối thiểu phục vụ năm học mới. Bên cạnh các công trình mới, rất nhiều trường học trên địa bàn cũng được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để giải quyết phần nào áp lực về thiếu đội ngũ giáo viên, UBND tỉnh đã kiến nghị và được Bộ Nội vụ bổ sung biên chế giáo viên mầm non. UBND tỉnh đang tiến hành rà soát để phân bổ hợp lý cho các huyện, thị xã. Các huyện, thị xã khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân viên các trường học tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhằm chuyển đổi biên chế nhân viên sang biên chế giáo viên.

ADQuảng cáo

Có thể thấy, trong năm học 2019-2020, trước những áp lực về số lượng học sinh tăng, thêm một lần nữa đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành Giáo dục xác định trách nhiệm, nỗ lực, dốc sức để bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm, chất lượng ngày một nâng cao.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh. Việc sắp xếp này sẽ từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Đắk Nông. Từ năm 2019 - 2020, bên cạnh việc sắp xếp lại, tổ chức lại các trường học thì sẽ lên phương án bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư sau khi sắp xếp. Đây là công việc gắn với chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm việc dạy và học tại nhiều đơn vị.

Theo Sở Giáo dục-Đào tạo, việc thực hiện đề án sáp nhập tổ chức lại các trường phổ thông công lập trong năm 2019 đã được tiến hành và sẽ hoàn thành trước ngày 5/9. Trong năm học mới tất cả 8 huyện, thị xã thực hiện đề án, trong đó 50 trường sẽ sáp nhập thành 25 trường, sát nhập hai trung tâm thuộc Sở và giải thể Trung tâm Giáo dục học sinh trung học.

Hợp lực cùng ngành Giáo dục để chia sẻ những khó khăn, giải tỏa áp lực chắc chắn rất cần sự đồng hành, tiếp sức từ các cấp, các ngành cùng phụ huynh học sinh. Nhiều năm học đã qua, ngành Giáo dục luôn phải đón nhận áp lực từ sự gia tăng mạnh về số lượng học sinh. Thế nhưng, bằng sự cố gắng của toàn ngành, chất lượng giáo dục của Đắk Nông đã tiếp tục tăng lên. Trên tinh thần đó, dù có khó khăn, áp lực nhưng tin tưởng rằng cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục của Đắk Nông sẽ vược qua áp lực lớn, thể hiện trách nhiệm cao để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó trong năm học 2019-2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực và trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO