Ỷ lại, ngại khó thì nghèo vẫn hoàn nghèo

Hoàng Bảo| 17/09/2018 10:36

Trong chuyến về xã Đắk Lao (Đắk Mil) tác nghiệp mới đây, khi đang ghi hình một em nhỏ ở thôn 13 được Hội phụ nữ xã chuyển giao xe đạp cũ để đi học, chúng tôi chứng kiến một chuyện khá buồn lòng. Đó là, một chị vừa gặp cán bộ Hội phụ nữ xã liền nói “Cho có một con bò thôi mà giờ khổ quá, mưa gió ngày nào cũng phải đi cắt cỏ…”.

ADQuảng cáo

Hỏi chuyện chị cán bộ hội của xã Đắk Lao, chúng tôi mới phần nào hiểu đầu đuôi câu chuyện. Người phụ nữ vừa than vãn là một trong những hộ nghèo của xã, khoảng tháng 6/2018, Hội đã ưu tiên hỗ trợ cho chị một con bò giống về nuôi để phát triển kinh tế.

Theo quy định, khi con bò giống này đẻ ra bê con đầu tiên thì người nuôi phải chuyển giao con bê cho hội viên khó khăn khác nuôi. Thế nhưng, trái ngược với sự vui vẻ lúc nhận, mới chỉ 2 tháng chăm sóc, gặp lại cán bộ hội, chị đã phàn nàn, than vãn là chỉ cho một con bò thôi mà khổ, ngày nào mưa gió cũng phải đi xa cắt cỏ cho bò ăn.

Qua câu chuyện, chúng tôi mới hiểu hết cái thở dài của chị cán bộ hội. Chị nói, hỗ trợ tiền thì bao nhiêu cho đủ, nhưng Hội muốn trao cho chị em “cái cần câu” để vươn lên thoát nghèo, coi như đó là tài sản của mình. Khi mình có thì mình lại sẻ chia cho người khác để ngày càng có nhiều người được giúp đỡ, nhưng có những hội viên lại không hiểu. Mỗi sự hỗ trợ đều có ý nghĩa, nhất là trong lúc khó khăn, cho nên muốn con bò nhanh lớn, sinh trưởng tốt thì người nuôi phải chăm sóc là lẽ thường, chứ Hội không thể lo luôn khoản chăm sóc được.

ADQuảng cáo

Khi chúng tôi hỏi, với trường hợp này, Hội sẽ làm gì? Chị cán bộ Hội thẳng thắn trao đổi: “Hội sẽ trực tiếp xuống gặp gỡ, nói chuyện thẳng thắn, nếu chị này không muốn nuôi nữa thì sẽ chuyển giao cho hội viên khác. Bởi trên địa bàn xã vẫn còn nhiều chị khó khăn hơn, nhưng chưa được hỗ trợ”.

Cũng theo chị cán bộ hội, nhiều năm đồng hành cùng phụ nữ nghèo, đây là lần đầu tiên chị nghe sự phàn nàn từ hội viên. Bởi những trường hợp được hỗ trợ lâu nay, ai cũng vui vẻ, phấn khởi, có người tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn chăm chỉ không kể mưa gió kiếm cỏ về cho bò ăn. Rồi từ sự chăm sóc đó, nhiều bò con phát triển, sinh trưởng tốt, trở thành điểm tựa để các gia đình vươn lên thoát nghèo.

Hay có những chị, dù chỉ được hỗ trợ những bộ quần áo, vật dụng cũ thôi, nhưng đều thấy đó là niềm vui, nguồn động viên để cố gắng vươn lên. Như chị Hạ Thị Hồng, thôn 11B từng tâm sự: “Tôi không suy nghĩ gì về cũ hay mới, mà chỉ biết được cho là tốt lắm rồi. Tôi nghèo ai cũng biết, nên không có gì mà ngại, ai cho được cái gì từ quần áo hay giày dép tôi đều vui đều nhận. Có thể với nhiều người nó không còn dùng đến, nhưng với những người như tôi nó lại mới và hơn hết là tôi cảm nhận được sự cảm thông, sẻ chia của chị em với mình”.

Qua câu chuyện để thấy rằng, tư tưởng ỷ lại, ngại khó chính là một trong những nguyên nhân mà nhiều người nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu trong phát triển sản xuất, chỉ cần thiếu ý chí, thiếu kiên nhẫn thì sẽ khó thành công. Thiết nghĩ rằng, trước khi hỗ trợ hội viên kế sinh nhai, các cấp hội phụ nữ cần xem xét, tìm hiểu và trao đổi, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tính tự lực trong lao động sản xuất. Mọi sự giúp đỡ chỉ là bàn đạp và thực sự phát huy hiệu lực khi bản thân biết mình cần làm gì, làm như thế nào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ỷ lại, ngại khó thì nghèo vẫn hoàn nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO