Nói và làm

Vũ Hà| 30/11/2017 09:08

Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”; đồng thời, chỉ rõ khuyết điểm về nói và viết không gắn với làm. Người cảnh báo nếu để chứng bệnh “Nói không đi đôi với làm” lây ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì sẽ rất nguy hại. Coi trọng việc làm hơn lời nói, Người nói rằng “một tấm gương sáng còn hơn trăm bài diễn thuyết”.

ADQuảng cáo

Lẽ thường, nhiều người có thể “nói” được nhưng "làm" lại là một thử thách, phải tốn công sức, thậm chí phải hy sinh quyền lợi nên không phải ai cũng làm được. Sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo sở dĩ giành được thắng lợi là nhờ một thế hệ biết chiến đấu, hy sinh! Trong thời bình chống giặc "nội xâm" (tham nhũng) khó khăn hơn nhiều so với chống giặc ngoại xâm. Bởi vì, chống giặc "nội xâm" là cuộc chiến với người đồng chí, đồng đội, thậm chí với chính cả bản thân. Thế nên, lên án (nói) tham nhũng thì dễ nhưng chống (làm) tham nhũng thì hết sức cam go, nguy hiểm.

Nói đi đôi với làm, suy nghĩ và hành động thiết thực, trách nhiệm trước Đảng, trước dân là một phẩm chất không thể thiếu của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), khi đề cập những biểu hiện thoái hóa về tư tưởng chính trị, đã chỉ rõ: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đường, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu”.

Thực tế, hiện nay không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, thậm chí trái ngược nhau. Đó là những cán bộ, đảng viên “nói một đằng làm một nẻo”, “nói nhiều làm ít”, “nói hay cày dở”, hứa hẹn nhưng không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Người có lời nói không đi đôi với việc làm thường là những người mắc bệnh thành tích, giáo điều, háo danh, nói dối, khai man, thậm chí dối trên lừa dưới, “thượng đội, hạ đạp”...với động cơ vụ lợi cá nhân.

Có những người nói lý luận theo sách vở thì hay nhưng lại không hiểu thực tế. Có người tự cho mình cái quyền “làm những điều tôi nói, không được nói điều tôi làm”. Trong sinh hoạt Đảng hiện nay, cá biệt có người không nói và chỉ nói khi có lợi cho mình; nó được thể hiện qua các trạng thái “im lặng là vàng”, “một người nói, ít người nghe” và “nói theo chiều gió, tâng bốc nhau để tìm lợi ích”. Đây là một nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cơ hội và thủ tiêu đấu tranh rất nguy hiểm.

ADQuảng cáo

“Nói mà không làm”, “nói một đằng làm một nẻo” hoặc “nói nhiều làm ít” là một chứng bệnh. Cán bộ, đảng viên mắc chứng bệnh này đã nguy hại, những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền càng nguy hại hơn và người giữ cương vị trọng trách càng cao thì mức nguy hại lại càng lớn. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên là người của Đảng và Đảng hiện thân trong mỗi cán bộ, đảng viên. Quần chúng nhân dân nhìn nhận, đánh giá về Đảng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng với cả hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực.

Bác Hồ là hiện thân và là tấm gương của việc “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều. Theo Người, cán bộ còn là “công bộc” của dân, cho nên phải luôn tự rèn luyện và răn mình để thực hiện tốt việc “nói đi đôi với làm”, “nói sao làm vậy”, “nói ít làm nhiều”. Đó là bổn phận, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước dân, qua đó gìn giữ uy tín, thanh danh của Đảng và thể hiện tinh thần trọng dân, vì dân.

Bác cũng thấy rõ tầm quan trọng của việc “nói đi đôi với làm”, cũng như thấy rõ tác hại của việc “nói mà không làm”. Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc, tính toán mọi yếu tố khách quan, chủ quan để từ đó luôn “nói đi đôi với làm”, đã nói là làm, viết sao làm vậy nhằm tạo niềm tin, sức thuyết phục, đồng thời là tấm gương cho cấp dưới và quần chúng noi theo.

Để chống việc nói một đàng làm một nẻo cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới... Khi nói phải gắn với công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, ai cũng nói được, nghe thì hay nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công việc, không thể quan liêu, như cách “tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được” (Bác Hồ).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói và làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO