Hết thời "hạ cánh an toàn"

Vũ Hà| 26/02/2018 10:16

Trước đây những người nghỉ hưu nhưng không bị xử lý kỷ luật về những sai phạm, khuyết điểm khi tại chức thì được gọi là “hạ cánh an toàn”. Thời gian gần đây, những cán bộ về hưu nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra khi còn đương chức thì được gọi là “hạ cánh không an toàn”.

ADQuảng cáo

Về hưu, với người bình thường là sự nghỉ ngơi nhẹ nhàng sau cả cuộc đời làm việc, phấn đấu và cống hiến. Nhưng với một số người khác có khi lại là sự thở phào. sau những căng thẳng ẩn mình, lo lắng. Một thời, cán bộ nhà nước về hưu được coi như hết quyền lợi, nhưng quan trọng là phủi hết trách nhiệm với xã hội, ngay cả với những việc làm sai trái do mình gây ra trước đó. Và hậu quả của những quyết định, việc làm sai trái thì đã có người kế nhiệm mình “đổ vỏ”. Cũng trong một thời gian dài, người ta cho rằng không cần và không nên xử lý những người không còn quyền lực trong bộ máy, từ đó hình thành quan niệm “hạ cánh an toàn”.

Chính tâm lý nể nang, dễ dãi, chủ quan một thời nói trên đã tạo nên tâm lý thu vén cá nhân, coi nhẹ đạo lý và cả pháp lý, trở một nhân tố cấu thành “tư duy nhiệm kỳ”. Hết nhiệm kỳ là hết quyền lợi, nhưng cũng đồng nghĩa với hết trách nhiệm. Một “cơ chế ngầm” không "hồi tố" trách nhiệm quan chức hưu trí vốn được coi như là ân tình của người sau với kẻ trước. Cũng chính điều đó tạo ra sự bất công, dung dưỡng cho những sai phạm có thể đã khiến nhiều người ở những tháng ngày cuối nhiệm kỳ mắc hàng loạt sai lầm, thực hiện “chuyến tàu vét cuối vụ”. Quan niệm nếu "hạ cánh” là an toàn đã trở thành viễn cảnh khiến không ít người sa ngã sau một đời cống hiến và giữ gìn sự liêm chính.

Thế nhưng bây giờ người đã “hạ cánh” cũng không “an toàn”. Không ít cán bộ cấp cao khi về hưu vẫn bị xử lý theo pháp luật vì những việc làm sai trái lúc đương nhiệm: ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nguyên Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo; nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự bị xóa tư cách nguyên chủ tịch Hà Tĩnh; ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam, Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashi bị khởi tố bị can. Ở tỉnh ta, một số đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu mới đây cũng bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

ADQuảng cáo

Việc xử lý sai phạm của quan chức ngay cả khi đã về hưu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những cán bộ đương nhiệm. Những sai phạm của các “quan chức” nếu không bị phát hiện và đưa ra ánh sáng thì trong mắt quần chúng nhân dân và nhiều người, có thể họ vẫn cho rằng đó là những vị quan tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đương chức. Và rất có thể dù đã nghỉ hưu nhưng trong mắt nhiều người họ vẫn được “nể trọng”. Thế nhưng, nếu biết rằng, khi về hưu sẽ hưởng thụ những thu vén trước đó mà không bị truy cứu thì có thể dẫn người ta đến sự sa ngã. Còn nếu biết khi đã khi về hưu mà vẫn bị “hồi tố” và phải chịu “búa rùi dư luận” thì người ta sẽ chùn tay trước những quyết định sai trái và vô trách nhiệm khi tại chức.    

Gần đây, xử lý tiêu cực, tham nhũng không có vùng cấm, “hạ cánh không an toàn” đã nhìn rõ qua con người cụ thể là những cán bộ đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức, biến chất chứ không còn là “một bộ phận không nhỏ” chung chung như trước đây. Công tác kiểm tra không chờ đợi mà chủ động đi trước, kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm. Kiểm tra dấu hiệu vi phạm có trọng tâm trọng điểm, hướng vào những vấn đề Đảng đang cần và dư luận đang quan tâm là những đòn giáng vào cái “tư duy nhiệm kỳ” và ảo tưởng “hạ cánh an toàn”. Đây cũng là một đòn giáng vào cái mà các thế lực thù địch xuyên tạc: chống tham nhũng tiêu cực của Vệt Nam là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ” “trừng trị phe thất thế, thua cuộc”…

Việc xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị trong công tác chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ người có vi phạm trong quá khứ dù đang đương chức, người đã được luân chuyển, đến người đã về hưu… đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực tế sẽ xóa bỏ quan niệm “hạ cánh an toàn” và khẳng định không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng. Qua đó sẽ lấy lại niềm tin của người dân vào quyết tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc chống tham nhũng, chống giặc nội xâm.

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần… tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm, và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”. Tổng Bí thư cũng khẳng định: Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là, chống tham nhũng, xử lý kỷ luật không có vùng cấm, kể cả nghỉ hưu cũng không phải “hạ cánh an tòan”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết thời "hạ cánh an toàn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO