Về thăm Khu lưu niệm Cô Ba Định

Ghi chép: Nguyễn Hiền| 29/07/2016 10:59

Từ ngày còn học phổ thông, ấn tượng trong tôi về Bến Tre là những rặng dừa xanh, sông nước bao quanh, những miệt vườn cây trái, những cô gái tóc dài thướt tha... Và đặc biệt, tôi biết đến Bến Tre, quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định - người gắn liền với phong trào Đồng Khởi năm 1960.

ADQuảng cáo

Mới đây, khi có dịp đến Bến Tre, được đồng nghiệp báo bạn đưa đi thăm Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. 

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định được gắn với phong trào Đồng Khởi nổi tiếng một thời

Người dân Bến Tre gọi nữ tướng Nguyễn Thị Định với cái tên thân thương và kính trọng là Cô Ba hay Cô Ba Định. Năm 2000, để tưởng nhớ đến những công lao của bà đối với quê hương, đất nước, người dân Bến Tre đã cùng nhau xây dựng đền thờ Cô Ba ngay tại quê nhà ở ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm và đặt tên là “Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định”. Đến cuối năm 2003 thì khu lưu niệm được đưa vào phục vụ du khách gần xa đến tham quan.

Khu lưu niệm rộng gần 15.000 m2, phía trước đền thờ là sân lễ, các công trình kiến trúc, các trục đường đi bộ, những hàng cây kiểng, thảm cỏ xanh tạo thêm vẻ mỹ quan, hài hòa và ấn tượng. Đền thờ nữ tướng được xây cao ráo, thoáng mát theo kiểu tứ trụ, cột tròn, mái hai tầng và uốn quanh ở 4 góc. Cổng được xây dựng theo dạng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam.

Trong đền thờ là tượng đồng chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định được đặt trên bệ đá hoa cương với trang phục áo bà ba và khăn rằn quấn cổ. Ngoài đền thờ còn có phòng trưng bày hiện vật, những hình ảnh, tư liệu  minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà.

Qua lời thuyết trình của người hướng dẫn viên, cuộc đời và 56 năm hoạt động cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định như được tái hiện. Cô Ba sinh năm 1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Lúc nhỏ, Cô Ba đã được xem là người có cá tính và ngay thẳng, căm ghét cái ác. Năm 16 tuổi, Cô Ba tham gia cách mạng và nhanh chóng được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong Cách mạng tháng Tám, Cô Ba Định chính là người phụ nữ đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng với tay dao, tay gậy, cờ, băng rôn, biểu ngữ rầm rộ tiến chiếm thị xã Bến Tre và giành thắng lợi. Đến năm 1946, cô Ba Định là một trong những cán bộ trẻ tham gia trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc để gặp Bác Hồ báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Và cũng từ đó, tên của Cô Ba đã gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh” trên biển.

ADQuảng cáo

Khi trở lại quê nhà, Cô Ba đã cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại 3 xã của huyện Mỏ Cày là Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp. Việc phá thế kìm kẹp của địch đã làm nên phong trào Đồng Khởi Bến Tre vào ngày 17/1/1960, mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh Bến Tre và cả miền Nam.

Đến tháng 5/1961, Cô Ba trở thành Khu ủy viên Khu 8, tiếp tục xây dựng, phát huy có hiệu quả sức mạnh của “Đội quân tóc dài”. Với kinh nghiệm lãnh đạo, tài trí của nữ tướng Nguyễn Thị Định đã làm cho quân thù phải khiếp sợ. Hình ảnh Cô Ba Định với áo bà ba, khăn rằn, nón lá, chiếc túi nhỏ đeo vai đã trở thành niềm tin của quân, dân miền Nam và chị em hoạt động cách mạng cả nước.

Du khách đến thăm Khu lưu niệm, được nghe kể bao huyền thoại về nữ tướng Nguyễn Thị Định

Trong quá trình hoạt động, cô Ba Định đã nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của người con gái Bến Tre ấy vẫn kiên cường, một lòng chung thủy sắc son với cách mạng, dân tộc. Đến năm 1974, Cô Ba Định đã được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, một nữ tướng uy nghi mà đôn hậu, oai phong mà đằm thắm chân tình.

Người dân Bến Tre càng tự hào hơn khi nhớ lại lời Bác Hồ nói về Cô Ba Định: “Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc”.

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những công trình đầy tự hào của người dân Bến Tre để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh nhà, trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa mỗi khi đến Bến Tre. Các tổ chức, đoàn thể, trường học trong tỉnh thường chọn khu lưu niệm làm nơi về nguồn, tổ chức dã ngoại và làm hội trại.

Đặc biệt, hàng năm cứ đến ngày 28/7 âm lịch, mỗi người con xứ dừa lại tụ hội về thắp hương cho nữ tướng với lòng kính trọng và biết ơn. Với người dân nơi đây, Cô Ba Định chính là sự kết hợp hài hòa giữa đức tính can trường, dũng cảm của một chiến sĩ cách mạng với lòng nhân ái, bao dung, dịu hiền của người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lý do đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi viết nên bài ca bất hủ “Dáng đứng Bến Tre”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về thăm Khu lưu niệm Cô Ba Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO