Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ

Nguyễn Hồng (t.h)| 23/10/2020 08:51

Đền Mẫu Âu Cơ, tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, từ bao đời nay là biểu tượng thiêng liêng cho nguồn cội con cháu Lạc Hồng, nơi gìn giữ và tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, người Mẹ của muôn dân đất Việt. Trải qua những thăng trầm lịch sử đất nước, tín ngưỡng ấy vẫn được gìn giữ và phát huy với sức sống bền bỉ trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc.

ADQuảng cáo

Nguồn gốc tín ngưỡng

Theo tín ngưỡng dân gian lưu truyền, mẹ Âu Cơ vốn là con gái của vợ chồng Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”.

Lễ rước trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Âu Cơ được Lạc Long Quân kết duyên làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất. Âu Cơ đưa các con đi mãi, khi đến vùng Hiền Lương (xã Hiền Lương ngày nay), thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú..., bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm ngày một đông vui, trù phú.

ADQuảng cáo

Ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bảy sắc. Dưới gốc đa ấy, Nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497).

Lễ hội đền Mẫu

Nét nổi bật trong tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương là Lễ hội đền Mẫu được tổ chức trang trọng vào ngày “Tiên giáng”, mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Một trong những nghi lễ đặc biệt thiêng liêng trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là cuộc tế do đội tế nữ chủ trì. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, tiếng nhạc bát âm réo rắt, giữa không khí trong đền hương trầm tỏa ngát, cuộc tế lễ diễn ra hết sức thiêng liêng. Tất cả dân làng và người dự hội cùng hướng vào đền, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, ngưỡng vọng Thánh Mẫu.

Năm nào cũng vậy, vào dịp lễ, dân làng chuẩn bị đúng 100 bánh mật để dâng lên Mẫu. Việc này hàm ý là 100 chiếc bánh của 100 người con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Bánh ngọt được làm bằng bột gạo nếp thơm và mật mía ngon, nhào kỹ rồi lăn thành hình tròn dài, cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. Một trăm bánh ngọt cùng với xôi nếp, chè lam, hoa thơm là lễ vật dâng lên Mẫu Mẹ Âu Cơ vào ngày chính lễ.

Với những giá trị văn hóa trường tồn, ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, đền Mẫu Âu Cơ đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái, tri ân công đức của Quốc Mẫu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO