Nỗi niềm buôn Buôr

Mỹ Hằng| 22/06/2016 10:42

Trở lại buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi của buôn làng. Con đường bê tông trải dài thẳng tắp, những ngôi nhà ngói khang trang, với các tiện nghi hiện đại phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Thế nhưng, đằng sau sự đổi thay đó là nỗi buồn vì các cổ vật cha ông đang bị mai một dần.

ADQuảng cáo

Cổ vật dần biến mất

Đối với đồng bào Ê đê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, những ngôi nhà sàn dài không chỉ là nơi sinh hoạt mà còn là sự sống, là linh hồn của dân tộc. Thế nhưng, trước sự thay đổi của cuộc sống, những ngôi nhà dài ở buôn Buôr đã được thay thế bởi những ngôi nhà ngói khang trang. Nhiều ngôi nhà dài đã xuống cấp, mục nát, hầu như không có người ở và một số đã được bán cho giới buôn cổ vật.

Con đường lát đá dẫn về bến nước buôn Buôr

Ngồi trong ngôi nhà dài truyền thống của gia đình, ông Ama Gun (Y Prứk) cho hay, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được các thế hệ đi trước kể về sự tích ra đời cũng như ý nghĩa của các chiêng, ché… nên ông rất quý và trân trọng chúng. Khi cha mẹ ông qua đời đã để lại cho mấy chị em ông ngôi nhà dài gần trăm tuổi, với nguyên trạng các vật dụng như chiêng, ché, ghế chân dê, ghế Kpan, trống da voi, nồi đồng…Tuy nhiên, theo phong tục của người Ê đê thì phụ nữ là chủ gia đình nên số phận của ngôi nhà dài cùng với các loại cổ vật đều do các chị gái ông sắp xếp.

Vậy là, vào năm 2012, do cuộc sống khó khăn nên người chị gái đã mang chiếc trống da voi hàng trăm tuổi đi bán. Còn ngôi nhà dài truyền thống hiện cũng đã được rao bán và có doanh nghiệp từ Đắk Lắk xuống trả giá 1,5 tỷ đồng (bao gồm tất cả các cổ vật).

Điều đáng nói đây là ngôi nhà dài đã được đưa vào diện bảo tồn, nhưng do không có chính sách, kế hoạch bảo tồn hiệu quả nên một số chiêng, ché, các vật dụng có giá trị cứ thế mất dần; một số đã được gia đình mang đi chỗ khác cất giữ.

Ama Gun nói: “Trước đây, chiêng cũng như nhiều cổ vật của người Ê đê trong buôn nhiều lắm, nhưng hiện nay đã ít dần, nhiều người đã mang đổi lấy tiền mua gạo. Tôi cũng đã can ngăn các chị, nhưng không làm được gì. Cứ đà này thì vài năm nữa, buôn cổ chẳng còn cái gì gọi là truyền thống”.

Điều đáng nói nữa là Nhà văn hóa cộng đồng buôn Buôr sau khi được phê duyệt bảo tồn đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp rất khang trang, nhưng do địa điểm nằm khá xa so với khu dân cư nên buôn ít khi sử dụng. Vào dịp hè, các đoàn sinh viên tình nguyện mới về ở tại đây, còn hầu như người dân không đến đây sinh hoạt cộng đồng nên một số hạng mục của công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Một số lễ hội như lễ cúng bến nước, lễ mừng cơm mới, lễ rước Kpan giờ cũng dần mai một. Trước đây, dệt thổ cẩm được xem là “thước đo” sự đảm đang của người phụ nữ, nên ngay từ nhỏ các bé gái đã được các bà, các chị chỉ dạy cho các đường kim, mũi chỉ.

Thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm cho đồng bào, nhất là lớp trẻ. Thế nhưng, đồng bào sau khi học và làm ra sản phẩm thì không có ai mua nên dần dần không có ai đi học nữa, lớp trẻ không có ai dệt nữa.

ADQuảng cáo

Chị H’Nghiêu cho hay: “Hiện nay, trong buôn cũng có người dệt thổ cẩm nhưng ít lắm. Sản phẩm dệt ra mà bán không được nên chủ yếu để sử dụng trong gia đình, hiếm khi có người đến đặt mua. Cái đà này không khéo ít năm nữa dệt thổ cẩm truyền thống cũng sẽ mất luôn”.

Hiện nay, người dệt thổ cẩm ở buôn Buôr chỉ đếm trên đầu ngón tay

Bảo tồn vẫn là “giấc mơ”

Đầu năm 2007, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Dự án bảo tồn buôn Buôr với số kinh phí trên 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong 2 năm (2007-2008) với các hạng mục như trồng lại rừng thiêng, nạo vét ao hồ, sông suối, bảo tồn nhà cổ, dạy đánh cồng chiêng và các nghề truyền thống.

Dự án cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống của buôn, nhất là dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc bảo tồn chỉ mới dừng lại ở một chừng mực nhất định, nên hiệu quả của dự án chưa cao.

Việc truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm được thực hiện theo cách “cầm tay chỉ việc”, người đi học được tiền bồi dưỡng, người truyền dạy có chế độ. Thế nhưng, khi có nguồn kinh phí thì có người học, hết kinh phí thì lớp học vắng. Học xong không có môi trường diễn tấu, đầu ra cho sản phẩm nên người học lại quên “chữ”, đành trả “vốn liếng” lại cho thầy. Trong khi đó, những người già lại rất ít khi truyền lại cho con cháu trong nhà một cách tự giác.

Đặc biệt, hai ngôi nhà dài nằm trong diện tu sửa cũng đã bị xuống cấp (trong đó có ngôi nhà của ông Ama Gun). Bến nước của buôn cũng là một trong những hạng mục được đưa vào bảo tồn, đầu tư xây dựng lại, nhưng hiện nay bến đã ngập hoàn toàn trong nước. Bên cạnh bến nước còn được gắn biển báo “Mực nước sâu, cấm tắm”.

Phía bên trên bến nước, nơi trước đây thường diễn ra các lễ hội cúng tế thần linh của các thế hệ trước thì cũng đã trở thành bãi rác. Cây gòn hơn trăm tuổi, to bằng vòng tay 4 người ôm ở cạnh bến nước, được xem như là “cây linh hồn” của bon hiện cũng bị trôi theo dòng nước sông Sêrêpốk.

Theo ông Trần Mạnh Trường, cán bộ phụ trách văn hóa xã Tâm Thắng thì buôn Buôr hiện có 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê đê sinh sống và hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo. Hiện tại, buôn Buôr còn khoảng 16 ngôi nhà dài, nhưng hầu hết đã mục nát và xuống cấp, không có người ở, và chỉ còn 2 bộ cồng chiêng (1 bộ của buôn và 1 bộ của xã). Khi biết thông tin, xã đã cử cán bộ về buôn để nắm tình hình cũng như tuyên truyền, vận động bà con giữ ngôi nhà dài, các hiện vật cổ, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Có thể thấy, việc đầu tư hàng tỷ đồng để bảo tồn buôn cổ, nhưng lại thiếu sự quan tâm bảo quản, tu sửa cũng như khai thác đúng hướng nên xem ra quá lãng phí. Việc bảo tồn nhưng chưa gắn liền với lợi ích của đồng bào nên bản thân chủ thể văn hóa Ê đê cũng chẳng mặn mà đối với việc gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Người dân đã bắt đầu thích ở nhà xây khang trang với các tiện nghi sinh hoạt hiện đại cũng là điều tất yếu nên việc bảo tồn buôn cổ vẫn chỉ là “giấc mơ”.

Vì vậy, để các giá trị văn hóa truyền thống có thể “sống” với cộng đồng, cùng với sự quan tâm thỏa đáng, thích hợp của chính quyền các cấp thì chính đồng bào cũng phải nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm buôn Buôr
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO