Nghi lễ chầu văn của người Việt

Nguyễn Hồng (th)| 26/02/2021 08:49

Nghi lễ chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng, ra đời và phát triển trước hết gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ, được thực hành ở nhiều vùng, miền của đất nước.

ADQuảng cáo

Nghi lễ gắn với tín ngưỡng

Nghi lễ chầu văn còn được gọi là hát văn – hầu đồng, hát văn – hầu thánh, bắc ghế hầu đồng, ngự đồng, loan giá ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần.

Tỉnh Nam Định là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần, là nơi nghi lễ chầu văn còn được bảo lưu và tiếp tục trình diễn khá phổ biến, với chủ thể là những cung văn, thanh đồng, thủ nhang (người trông coi di tích), người hầu dâng, con nhang, đệ tử… hiện phân bố trên khắp các huyện và thành phố thuộc tỉnh Nam Định.

Các nghệ nhân trình diễn hát chầu văn

Phát triển và lan tỏa

ADQuảng cáo

Nghi lễ chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)…, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.

Nghi lễ chầu văn của người Việt là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu, … gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ. Cung văn phục vụ trong mỗi cuộc hầu đồng thường gồm từ 3 đến 5 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn. Cung văn phải luôn nhạy bén, ứng tác kịp thời và phù hợp với các hành động của ông/bà đồng, góp phần tạo điều kiện cho sự thăng hoa của người hầu đồng. Các nghệ nhân cao tuổi có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo âm thanh hòa quyện, rung động lòng người.

Hình thức diễn đạt

Hát chầu văn có nhiều hình thức khác nhau gồm: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu, hát thi. Nhịp điệu và tiết tấu có chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả… và âm hưởng của ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà,… cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát chầu văn. Ở Nam Định, hát văn biểu hiện chủ yếu dưới hình thức hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, diễn ra trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào tháng ba và tháng tám âm lịch.

Trong nghi lễ chầu văn của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Về giá trị văn hóa, nghi lễ chầu văn của người Việt là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hóa dân gian khác nhau trong một thể thống nhất hữu cơ hoàn chỉnh, trong đó yếu tố “sân khấu” kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như “uống nước nhớ nguồn”, vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hóa mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ.

Nghi lễ chầu văn của người Việt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, tháng 12/2012.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghi lễ chầu văn của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO