Lên Pắc Bó, thăm nơi Bác Hồ ở năm xưa

Văn Tâm| 19/05/2017 10:21

Trên đường lên Pắc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi ai cũng mang tâm trạng bồi hồi, mong cho nhanh đến nơi để được thăm nơi Bác Hồ từng ở năm xưa.

ADQuảng cáo

Khi xe vượt qua những cung đường uốn lượn dưới chân từng dãy núi trùng điệp, thấp thoáng ngoài ô cửa xe là những cánh đồng bậc thang vàng óng, những xóm làng bình yên, những triền hoa rừng đua sắc đẹp như tranh vẽ…

Khi xe dừng lại, trước mắt chúng tôi đã là dòng suối xanh màu ngọc, mọi người vui mừng reo lên: Suối Lênin đây rồi!

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên suối Lênin, núi Các Mác. Ảnh: Mai Anh

Mọi người trong đoàn tất cả đều là lần đầu tiên đến nơi đây nên ai cũng tỏ ra háo hức, vui mừng khi được một lần viếng thăm mảnh đất lưu dấu chân, bóng dáng của vị Cha già kính yêu của dân tộc. Sau khi đi dạo ven bờ suối Lênin, chúng tôi vốc từng vốc nước mát rượi lên rửa mặt cho thỏa niềm mong ước bấy lâu của những người con phương Nam luôn mong mỏi đến nơi này.

Từ bờ suối Lênin nhìn lên phía trên là núi Các Mác, với hai ngọn núi uy nghi, sừng sững được bao phủ bởi nhiều tầng lớp cây rừng xanh thẳm soi bóng xuống dòng suối trong lành quanh năm tuôn chảy hiền hòa. Gặp một người dân ở xã Trường Hà, có nhà cách cổng vào Khu tích tích lịch sử Pắc Bó vài trăm mét, qua trò chuyện, người này kể vanh vách: Tất cả các di tích gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng ở đây như: Nơi Bác Hồ ngồi câu cá bên bờ suối sau buổi làm việc, cây ổi Bác vẫn hái lá đun nước uống thay trà… đều nằm dọc theo bờ suối Lênin.

Còn di tích lán Khuổi Nặm, nơi Bác Hồ ở từ cuối tháng 3/1941 đến tháng 5/1945 thì đối diện với bờ suối Lênin, núi Các Mác đi lên. Hướng mắt theo hướng dẫn của người chỉ đường, đó là một khu vực núi cao hiểm trở, chỉ có một lối mòn nhỏ đi lên.

Di tích lán Khuổi Nặm. Ảnh: Trường Thịnh

ADQuảng cáo

Khi biết được địa điểm, chúng tôi hớn hở lần theo con đường lát đá để vào lán. Lán Khuổi Nặm cách hang Pắc Bó khoảng một cây số. Đường quanh co men theo chân núi đá, đường càng đi càng dốc lên. Được biết, đường vào lán xưa kia chỉ là một lối mòn cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Trên đường vào lán Khuổi Nặm, chúng tôi tranh thủ leo lên những bậc đá được xếp thành những bậc tam cấp để vào thăm những di tích như: hang Slí Điếng, hang Diêm Tiêu…

Hang Slí Điếng là một hang đá nhỏ nằm gần đường đi, từng được Bác Hồ và các cán bộ sử dụng làm hòm thư liên lạc bí mật. Các công văn, chỉ thị, báo cáo, thư từ... được đặt ở một vị trí quy định trong hang, cứ đến ngày giờ nhất định thì có người đến lấy hoặc gửi tài liệu. Nhờ thế, hoạt động liên lạc luôn bảo đảm bí mật và thông suốt.

Cách đó khoảng trăm mét là hang Diêm Tiêu, đây là nơi rất kín đáo nên Bác Hồ đã chọn để cất giấu tài liệu bí mật trong suốt thời gian hoạt động cách mạng nơi này. Tiếp tục đi thêm vài trăm mét, lán Khuổi Nặm thấp thoáng hiện ra ngay cửa rừng, với một bên là dòng suối nhỏ, dưới gốc cây um tùm. Do nơi dựng lán có dòng suối nên gọi là lán Khuổi Nặm (theo tiếng Tày, Nùng, Khuổi Nặm nghĩa là suối nước).

Căn lán nhỏ làm theo kiểu nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12 m2, mái lợp tranh, vách được làm từ lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa). Sàn được lát bằng những khúc cây rừng. Nơi đây có kê một tấm ván để làm bàn làm việc của Bác.

Hang Diêm Tiêu - nơi cất giữ tài liệu bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T

Sau khi vào thăm lán, chúng tôi cùng nhau đi thăm những di tích còn ghi dấu những tháng ngày Bác Hồ ở đây. Cách lán không xa vẫn còn dấu tích vườn rau của Bác. Qua lời kể một hướng dẫn viên thì hằng ngày, sau những giờ làm việc căng thẳng, Bác lại ra đây cuốc đất, vun xới chăm bón cho rau, vừa để có cái cải thiện bữa ăn hằng ngày vừa là để thư giãn. Gần đó có một bãi cỏ khá bằng phẳng, cao ráo, đây là nơi tập thể dục của Bác. Mỗi sáng, Bác dậy sớm ra đây tập thể dục, đi vài đường quyền rồi xuống suối tắm rửa trước khi bắt tay vào làm công việc của ngày mới.

Qua tìm hiểu, Khuổi Nặm là nơi Bác triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Cũng tại lán Khuổi Nặm, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/8/1941 và đến ngày 20/8/1945, báo ra được tất cả 126 số, hoàn thành một cách vẻ vang vai trò tuyên truyền cách mạng của mình.

Lên thăm Khuổi Nặm, những dấu tích trên con đường mòn, bờ suối, bãi cỏ, vườn rau đến chiếc bàn đá ngoài bờ suối Bác ngồi làm việc…, chúng tôi cảm giác như Bác vẫn hiện diện đâu đây, đang nghiên cứu tài liệu trong lán cỏ, đang tập thể dục, cuốc đất trồng rau, đang sải bước trên bậc đá xanh rêu, đang thong thả buông cần câu cá bên suối Lênin... Những hình ảnh đó càng trở nên sống động hơn trong tâm khảm của chúng tôi từ sau lần lên thăm Pắc Bó, viếng thăm nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động cách mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lên Pắc Bó, thăm nơi Bác Hồ ở năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO