Lễ hội Tranh đầu pháo Quảng Uyên (Cao Bằng)

Nguyễn Hồng (t.h)| 20/11/2020 08:54

Tháng 10/2020 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận lễ hội Tranh đầu pháo ở thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

ADQuảng cáo

Lễ hội gắn với đời sống văn hóa, tâm linh

Lễ hội Tranh đầu pháo Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên. Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây; được lưu giữ, truyền thụ qua nhiều thế hệ vẫn đậm đà bản sắc, là biểu tượng linh thiêng của dòng chảy văn hóa truyền thống. Lễ hội mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc.

Tiết mục múa rồng trong Lễ hội Tranh đầu pháo Quảng Uyên

Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, Nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trảy hội. Tương truyền, lễ hội gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối; trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức chạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.

Nét đặc sắc của lễ hội

ADQuảng cáo

Lễ vật dâng lên tế lễ gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả. Phần lễ diễn ra long trọng với 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng, sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước rồng xuất phát đến đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Đi tới đâu rồng cũng được người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.

Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ - mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng…

Nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ, như: múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, tranh đầu pháo... Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò tranh đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh cướp, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho ban tổ chức là đội thắng cuộc.

Những năm qua, khi có lệnh cấm đốt pháo, ban tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Theo quan niệm của người dân địa phương thì ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội thắng cuộc thi năm đó.

Trải qua bao thăng trầm, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã tồn tại và duy trì trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên, đồng thời trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần trong mỗi dịp xuân về.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Tranh đầu pháo Quảng Uyên (Cao Bằng)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO