Lễ cầu an của người La Ha (Sơn La)

Nguyễn Hồng (t.h)| 05/03/2021 08:57

Lễ cầu an (Pang A) của người La Ha ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, tỉnh Sơn La được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hằng năm để tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang có công bảo vệ dân bản; cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng.

ADQuảng cáo

Thầy cúng và các con nuôi cùng khiêng mâm lễ tiễn các thần linh về trời

Quan niệm tâm linh

Người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật, vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Để cảm tạ, người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hằng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình thầy cúng sẽ tổ chức lễ, mời các thần linh về dự phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi.

Vào dịp này, các con nuôi ở khắp nơi đều về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi, cùng nhau vui chơi, giao lưu tình cảm. Các con nuôi tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp.

Trang trí độc đáo

Cây Xặng Bók là yếu tố trang trí không thể thiếu trong nghi lễ, được làm từ cây móc và chuối rừng, dựng ở gian giữa nhà. Cây móc (lăm la) tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, cây chuối rừng (lăm tốc) tượng trưng cho con trâu trắng, là những người bạn của nhà nông.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, cây còn được trang trí các dải hoa vải, trống làm bằng sợi chỉ màu, ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre, quả còn bằng vải, chim cu gáy, cày và bừa nhỏ bằng gỗ, hoa mạ, hoa ban (người La Ha ở Mường Sại dùng hoa trạng nguyên). Số lượng mỗi đồ trang trí là số chẵn vì người La Ha quan niệm tất cả đồ vật hay con người đều phải có đôi. Các đạo cụ để múa có bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre...

Bà con cùng vui mừng uông rượu sau buổi lễ

Thực hiện nghi lễ

Lễ cúng được thực hiện gồm các nghi lễ sau: Lễ cúng báo tổ tiên, lễ cúng hồn cho chủ nhà, lễ cúng mời thần linh xuống dự, cúng đưa hồn tổ tiên lên trời. Thầy cúng cầu cho các con nuôi được khỏe mạnh, cuộc sống sung túc. Sau đó, thầy cúng một số vị thần linh quan trọng với người La Ha để cầu bảo vệ bản mường, con người được khỏe mạnh, may mắn.

Cùng với nghi lễ cúng thần linh, thầy cúng còn diễn một số trò miêu tả bệnh đã được chữa khỏi quanh cây Xăng Bók. Tiếp theo, mọi người cùng gõ tăng bu và múa theo nhịp quanh cây Xăng Bók thâu đêm cảnh cày bừa, múa cầu mưa để cầu thần linh phù hộ cho một mùa bội thu, múa khăn, múa kiếm tái hiện cảnh bảo vệ bản làng khi có giặc xâm chiếm, múa trống cầu mưa, thi ném còn.

Sau lễ cúng mời thần linh, thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính, trong khi đó các con sẽ dỡ cây Xặng Bók ra, lấy khăn múa một đầu buộc vào cây móc và cây chuối một đầu buộc vào cái cày và cái bừa, hai người cầm cây chuối và cây móc, hai người cầm cày và bừa diễn trò cày bừa. Sau đó, họ bóc lấy nõn chuối làm thành món nộm cùng với măng chua phơi khô và nõn móc nấu thành một bát canh. Hai món này được đặt lên mâm cùng với 8 chén rượu để thầy cúng mời các thần linh ăn và trở về trời, kết thúc phần lễ. Làm lễ xong, mọi người cùng ăn cơm, thi uống rượu cần và nhảy múa đến khuya.

Với giá trị tiêu biểu, lễ cầu an của người La Ha được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 30/1/2018.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cầu an của người La Ha (Sơn La)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO