Đưa đua thuyền rồng thành môn thể thao truyền thống

Bài, ảnh: Mỹ Hằng| 12/11/2018 10:06

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã sinh sống ở các vùng đất có nhiều kênh rạch, ao hồ và quen với việc đi lại trên sông nước bằng thuyền bè, xuồng. Trong các lễ hội làng xã hoặc tưởng nhớ, tôn vinh các danh nhân, anh hùng dân tộc thường có tổ chức đua thuyền, trong đó có thuyền rồng.

ADQuảng cáo

Đua thuyền rồng trên ngã ba sông Châu Đốc (An Giang). Ảnh tư liệu

Theo quan niệm dân gian, thuyền rồng chính là nơi các “ngài” về ngự để người dân cầu phúc, sức khỏe, may mắn, thành đạt. Thuyền sử dụng trong lễ hội phải là những chiếc thuyền được đóng một cách chắc chắn, chuẩn bị kỹ lưỡng, trang trí hình rồng ở đầu thuyền với màu sắc bắt mắt.

Thuyền có hình thoi, được đóng bằng gỗ khô, nhẹ, bền, lòng thuyền có chỗ ngồi cho các tay đua. Mỗi đội đua có từ 8 đến 16 người (tùy theo kích thước của thuyền). Điều đặc biệt của đua thuyền rồng chính là sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết của các tay đua. Người cầm lái-chỉ huy phải thực sự có tài, khả năng, để có thể đưa thuyền của đội mình về đích sớm.

Ngày nay, truyền thống đua thuyền rồng vẫn được các địa phương trong cả nước duy trì, nhất là các địa phương có sông nước nhiều như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, Đà Nẵng… và trở thành nét văn hóa độc đáo.

Riêng đối với Đắk Nông, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 170 công trình hồ, đập và hệ thống sông suối dày đặc, rải đều ở tất cả các huyện, thị xã là điều kiện hết sức thuận lợi để có thể phát triển môn đua thuyền rồng thành môn thể thao truyền thống của tỉnh.

ADQuảng cáo

Trong khuôn khổ Hội Xuân Mậu Tuất-2018, UBND tỉnh đã tổ chức Giải đua thuyền Kayak và có sự tham gia của hơn 40 vận động viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước như Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và Đắk Nông. Sự kiện đã thu hút hàng ngàn người dân cũng như du khách đến xem và cổ vũ. Tuy nhiên, Giải đua thuyền Kayak vẫn chưa làm thỏa mãn được sự đam mê, hưởng ứng nhiệt tình của người dân vì đây không phải là môn thể thao thi đấu tập thể giống như đua thuyền rồng.

Trên cơ sở đó, ngày 21/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 958/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển môn đua thuyền rồng thành môn thể thao truyền thống của tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2018-2022”. Dựa trên đề án được phê duyệt, hiện nay tỉnh đã mua được 15 chiếc thuyền. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 4 chiếc và 11 chiếc giao cho các đơn vị như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các huyện, thị xã để tổ chức tập huấn, luyện tập.

Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển môn đua thuyền truyền thống

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở VHTT-DL đã đề ra các giải pháp cụ thể và hướng dẫn các đơn vị, các huyện, thị xã triển khai thực hiện. Hiện nay, các huyện, thị xã đều đã tiến hành tuyển chọn vận động viên và triển khai tập luyện. Trên cơ sở đó, dự kiến vào năm 2019, tỉnh sẽ tổ chức giải đua thuyền rồng đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTT-DL, đua thuyền rồng là môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế. Vì vậy, việc đưa thuyền rồng trở thành môn đua truyền thống của tỉnh là hợp với xu thế. Ngoài mục đích hướng tới phát triển thể thao đỉnh cao, tham gia thi đấu các giải trong khu vực, toàn quốc, thông qua giải đua thuyền rồng còn là dịp để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, văn hóa và tiềm năng du lịch tỉnh Đắk Nông. Qua đó, thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa đua thuyền rồng thành môn thể thao truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO