Đồi A1 - vang mãi chiến công

Lam Giang| 05/05/2017 10:26

Trong chuyến hành trình qua các tỉnh miền Tây Bắc mới đây, chúng tôi đã có dịp đến thăm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên - vùng đất nổi tiếng với những chiến công vang dội trong lịch sử của dân tộc.

ADQuảng cáo

Thành phố Điện Biên Phủ không lớn, nhưng cả thành phố là khu di tích khổng lồ, ghi dấu một chiến tích lừng lẫy trong lịch sử nước nhà - Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Đến thành phố không khó để tìm đến những địa chỉ nổi tiếng ghi dấu trang sử hào hùng của dân tộc. Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát thuộc cánh đồng Mường Thanh, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố. Trong đó, ấn tượng nhất với chúng tôi trong chuyến đi này là được nghe, chứng kiến những chứng tích lịch sử ghi dấu một trận chiến kéo dài 39 ngày đêm tại đồi A1.

Hố đất rộng do khối bộc phá gần một ngàn cân tạo ra trên Đồi A1.

Di tích A1 (cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (đường 7/5) thuộc phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm này cao 32 m so với mặt đường, có diện tích 83.000 m2, cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500 m về phía Tây theo đường chim bay. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E, tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đã từng đọc nhiều tài liệu nói về trận đánh đồi A1, nhưng có dịp đến tận nơi, nhìn thấy địa hình cùng hệ thống hầm ngầm, giao thông hào và lớp lớp dây thép gai bao bọc ngọn đồi, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao trận đánh đồi A1 được xem là trận quyết chiến quyết định sự đầu hàng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bởi vì, chiếm được A1, gần như quân ta đã nắm chắc phần thắng. Và đúng như vậy, vào 4 giờ sáng ngày 7/5/1954, khi quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 thì mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tường Đờ Cát - chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều đối thủ tấn công. Đồng thời, Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Mặt khác, A1 lại là điểm cao cuối cùng về phía Nam khu Đông gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cát (gần cuối cuộc chiến được phong hàm thiếu tướng). Do vậy, nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích cũng như tạo điều kiện để quân ta làm bàn đạp phát triển vào trung tâm…

ADQuảng cáo

Với vị trí địa chiến lược như thế, nên nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, giằng co, dai dẳng kéo dài từ đêm 30/3 đến sáng ngày 7/5, kể cả hơn nửa tháng đào đường ngầm đưa 1.000 kg thuốc nổ vào cho nổ tung Đồi A1. Điều ấn tượng với mỗi người khi đến với di tích lịch sử Đồi A1 đó là để tiêu diệt địch ở đây, Đội công binh 83 được sự bảo vệ và hỗ trợ của Tiểu đoàn 255 (Trung đoàn 174) đã bí mật đào một đường ngầm từ phía trận địa của ta tới hầm ngầm cố thủ của địch ở đỉnh đồi. Đường ngầm có chiều dài 33m, chiều cao 1,90m, chiều rộng 0,90m và một ngách hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Trong hai đêm 4 và 5/5, Đội công binh đã vận chuyển và hoàn tất việc lắp đặt khối bộc phá gần một ngàn cân trong lòng đất. Sức ép của khối bộc phá đã hủy diệt một số lô cốt, nhiều đoạn hào, ụ súng và một phần đại đội dù số 2 và làm cho quân địch hoảng loạn, tạo thời cơ cho bộ đội ta xung phong đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch ở đỉnh đồi. Cuộc chiến đấu giữa bộ đội ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt bằng cả súng và lựu đạn, lưỡi lê và cả tay không.

Hướng dẫn viên giới thiệu di tích ghi dấu trận đánh giằng co giữa bộ đội ta và địch từ ngày 30/4 đến 6/5/1954 trên Đồi A1.

Theo lời hướng dẫn viên giới thiệu, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ nơi đây thấm không biết bao xương, máu của chiến sĩ, đồng bào ta. Vì nơi đây đã có ít nhất 2.000 chiến sĩ của quân ta hy sinh… Trận thắng Đồi A1 có một ý nghĩa rất quan trọng, đã mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ đồng hồ.

Ngày nay, đến với cứ điểm Đồi A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của cuộc chiến như đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá…, chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ Điện Biên để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay. Đứng trên điểm cao nhất của Đồi A1, phóng tầm mắt ra xung quanh có thể nhìn thấy Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, sân bay Mường Thanh và thâm chí cả Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta ở Mường Phăng… Những địa danh ấy, những cái tên ấy luôn sống mãi với thời gian, trường tồn với lịch sử của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồi A1 - vang mãi chiến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO