Di tích Nhà ngục Đắk Mil - tỏa sáng tinh thần đấu tranh cách mạng

Tường Nạnh| 01/09/2015 13:58

Ngược dòng lịch sử, vào đầu năm 1940 của thế kỷ XX, cuộc vận động giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra sôi nổi trên tất cả các vùng miền của đất nước Việt Nam.

ADQuảng cáo

Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của nhân dân và sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng trong toàn quốc, thực dân Pháp đã điên cuồng đẩy mạnh khủng bố, bắt bớ, giam cầm những người yêu nước và chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Một loạt nhà tù đế quốc được mở rộng và xây dựng thêm để tra tấn, đọa đày, tiêu diệt tinh thần, ý chí và lực lượng của cách mạng cũng như uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nhà ngục Đắk Mil (nay thuộc thôn 9A, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) do chính quyền thực dân Pháp xây dựng giữa rừng già của Tây Nguyên đại ngàn, vốn là “rừng thiêng nước độc” ra đời trong bối cảnh đó.

Ảnh: Hưng Nguyên

Với mục đích lấy đói rét, bệnh tật, tra tấn cực hình và khổ sai để tiêu diệt ý chí cách mạng của những người tù cộng sản, thực dân Pháp đã biến Nhà ngục Đắk Mil thành nơi biệt giam, là “địa ngục trần gian” với chế độ tàn khốc nhằm giết dần, giết mòn những người cộng sản về thể xác và tinh thần.

Tuy nhiên, thực dân Pháp đã phải đối mặt với những cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và mạnh mẽ của các chiến sĩ cách mạng với một quyết tâm chống lại các chính sách tàn bạo để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ lực lượng cách mạng và chờ thời cơ để vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng.

Có thể nói, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1941-1943), nhưng tại Nhà ngục Đắk Mil đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà ngục. Điển hình như cuộc đấu tranh chống phá, làm thất bại mưu đồ bóc lột tàn khốc sức lực của những người tù và đồng bào dân tộc thiểu số của thực dân Pháp tại Đắk Mil; đấu tranh chống chế độ lao tù, cải thiện đời sống.

Đặc biệt, các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức hai cuộc vượt ngục; trong đó có một cuộc thành công, đem lại cho phong trào đấu tranh cách mạng thêm niềm tin, bổ sung kịp thời những chiến sĩ kiên trung về với cách mạng.

ADQuảng cáo

Thất bại liên tiếp trong việc cai quản và nhận thấy không thể đày ải tù nhân cũng như những chiến sĩ cộng sản tại ngục Đắk Mil lâu hơn nữa, cuối năm 1943, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù nhân tại đây về Nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá ngục Đắk Mil.

Từ cuối năm 1943, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, những chiến sĩ cách mạng đến từ ngục Đắk Mil lại phát huy kinh nghiệm, truyền thống đấu tranh và bản lĩnh cách mạng kiên cường đã được “thử lửa” ở “địa ngục trần gian” Đắk Mil tiếp tục tổ chức các hình thức đấu tranh. Thông qua các cuộc đấu tranh đã góp phần tạo nên một đội ngũ cán bộ cốt cán, kiên trung, được trải nghiệm trong đấu tranh cách mạng để cùng toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 vĩ đại.

Một trong những tù nhân chính trị đã từng bị giam ở Nhà ngục Đắk Mil, sau khi ra tù đã trở thành cán bộ nòng cốt và có công đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng đó là đồng chí Trần Hữu Dực. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách: Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Đảng đoàn Chính phủ, Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông mất vào ngày 21/8/1993. Câu nói nổi tiếng của ông là: Của cải như không khí/Cảnh vật như thần tiên/Con người như thánh hiền/Mới xây dựng được lý tưởng Cộng sản.

Di tích lịch sử Nhà ngục Đắk Mil trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Ảnh: Đức Hùng

Có thể nói, Nhà ngục Đắk Mil là một trong những bằng chứng lịch sử của một “địa ngục trần gian”, một chứng tích đầy tội ác của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược và thống trị Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi tỏa sáng những tấm gương kiên trung, bất khuất, quật cường của các chiến sĩ cách mạng mà thực dân Pháp cho là “những phần tử nguy hiểm nhất”. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 17/3/2005, Di tích lịch sử Nhà ngục Đắk Mil đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Di tích lịch sử Nhà ngục Đắk Mil hiện đã được trùng tu, tôn tạo, với việc sưu tầm, gìn giữ, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật tiêu biểu, thật sự là một bằng chứng sinh động về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập dân tộc của các chiến sĩ cộng sản từng bị giam cầm nơi đây.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích Nhà ngục Đắk Mil - tỏa sáng tinh thần đấu tranh cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO