Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Bài, ảnh: Hoàng Thanh| 21/02/2019 08:58

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải - nơi ghi dấu về thời kỳ đất nước bị chia cắt trong chiến tranh, những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi trở nên nhộn nhịp hơn bởi du khách từ khắp mọi miền đến tham quan, tìm hiểu.

ADQuảng cáo

Cột cờ giới tuyến

Di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến đất nước ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Du khách thăm Nhà trưng bày tại khu Di tích (Trong ảnh: Tái hiện người mẹ Vĩnh Linh may cờ Tổ quốc)

ADQuảng cáo

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, Chính phủ đã công nhận Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cùng với các công trình hiện có là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày chiến thắng, Di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải trở thành “địa chỉ đỏ”, thu hút du khách từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, tìm hiểu. Dịp Tết Kỷ Hợi, chúng tôi có dịp đến thăm Di tích và chứng kiến cả ngàn lượt khách từ mọi miền đất nước về đây.

Anh Nguyễn Văn Hùng đến từ huyện Đắk Mil cho biết: “Đầu năm mới, tôi đưa cả gia đình về thăm quê và dừng chân thăm Di tích, giúp các con hiểu được truyền thống đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc của ông cha ta. Bên cạnh kiến thức sách giáo khoa, tôi muốn các con được quan sát thực tế để có cách nhìn, cách hiểu chính xác về các địa danh và các sự kiện lịch sử”.

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam

Cùng gia đình gần 10 người đến thăm Di tích, chị Hồ Thị Loan (quê Đắk Lắk) cho hay: “Dự định từ khá lâu nhưng năm nay, gia đình tôi mới có dịp đến thăm Di tích lịch sử nổi tiếng này. Đến đây, nhìn các ảnh tư liệu trưng bày, được nghe giới thiệu, tôi càng thêm hiểu lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc trong những năm chiến tranh ác liệt. Quân và dân ta thời kỳ đó đã chịu nhiều mất mát, hy sinh mới giành được hòa bình, độc lập cho dân tộc”.

Theo Ban Quản lý khu Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, lượng khách đến tham quan tại Di tích đông hơn ngày thường, trung bình mỗi ngày có tới 500 lượt khách. Riêng ngày mùng Bốn Tết có khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu Di tích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO