Cửu đỉnh - Bức tranh toàn cảnh về đất nước

Lê Phước| 06/09/2017 09:25

Đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng thành (Đại nội) Huế, Cửu đỉnh không chỉ là một công trình nghệ thuật đỉnh cao mà còn được coi là bộ bách khoa thư của dân tộc Việt Nam dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX.

ADQuảng cáo

Cửu đỉnh gồm 9 chiếc đỉnh bằng đồng, được xếp thành 2 hàng và đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng thành Huế

Lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Quốc, tháng 10 Âm lịch năm 1835, vua Minh Mạng (1791 - 1841) ra lệnh đúc Cửu đỉnh. Sau gần 2 năm khẩn trương triển khai, 9 chiếc đỉnh bằng đồng đã được khánh thành vào tháng 3/1837.

Cửu đỉnh được đặt thành 2 hàng trước Thế Tổ Miếu, ứng với 9 gian thờ (miếu hiệu) trong miếu. Trong đó, “Cao đỉnh” - ứng với miếu hiệu của vua Gia Long (vị vua khai sáng ra nhà Nguyễn) được đặt ở chính giữa và lên phía trước, 8 đỉnh còn lại tượng trưng cho con cháu nên được đặt 1 hàng phía sau. Trong 8 đỉnh này có 6 đỉnh là “Nhân đỉnh”, “Chương đỉnh”, “Anh đỉnh”, “Nghị đỉnh”, “Thuần đỉnh”, “Tuyết đỉnh” ứng với miếu hiệu của các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Khải Định (về sau Khải Định được chôn cất ở lăng mang tên ông). Riêng “Dụ đỉnh” và “Huyền đỉnh” không mang miếu hiệu của vị vua nào cả.

Trên 9 chiếc đỉnh có tổng cộng 153 hình ảnh được khắc chạm. Các hình ảnh này được vua Minh Mạng chọn lọc thành các nhóm với 9 đối tượng như: 9 hiện tượng thiên nhiên, 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loại cây lương thực, 9 loại vũ khí...

ADQuảng cáo

Ở tầng giữa các đỉnh, tên đỉnh là nội dung trang trí trung tâm, đối lại phía sau là hình ảnh các vị tinh cầu hay các biểu tượng thiên nhiên mạnh mẽ và thần bí. Tầng trên của đỉnh xuất hiện những ngọn núi cao hùng vĩ, trập trùng và đối lại bên kia là biển sâu thăm thẳm hay các cửa sông rộng mở. Những nhóm hình ảnh khác được bài trí trên các đỉnh một cách khoa học, sinh động.

Theo những chuyên gia, Cửu đỉnh được đúc vào thời vua Minh Mạng nên những dấu ấn trên đó cũng mang những tư tưởng của vị vua anh minh này. Thứ nhất, trên Cửu đỉnh có 90/153 nhóm hình động thực vật, thể hiện tư tưởng “Dĩ nông vi bản” (lấy nông nghiệp làm gốc). Thứ hai, những hình đại pháo, vũ khí... được đúc trên Cửu đỉnh đã cho thấy Minh Mạng rất chú ý đến việc phát triển quân sự, chăm lo quốc phòng. Thứ ba, thông qua những hình ảnh sông núi trên Cửu đỉnh, Minh Mạng muốn thể hiện chân dung của Tổ quốc, ý thức chủ quyền về lãnh thổ.

Cửu đỉnh được xếp thành 2 hàng, trong đó ba đỉnh ở giữa là “Cao đỉnh”, “Nhân đỉnh” và “Chương đỉnh” được xếp theo hình một tam giác đều, thể hiện cho trung tâm của đất nước. Trên ba đỉnh ấy đều có biển, gồm: Biển Đông (vùng Hải Phòng, Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế), biển Nam (vùng Khánh Hòa, bà Rịa Vũng Tàu) và biển Tây (vùng Hà Tiên). Qua việc thể hiện nước ta có 3 mặt giáp biển và trên biển có đảo, vua Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền dân tộc mình khi nhập lãnh thổ và lãnh hải làm một. Đó là tư tưởng quản lí một quốc gia một cách trọn vẹn của một vị vua yêu nước.

Cửu đỉnh được đánh giá là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Đại Nam và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả những họa tiết trên cửu đỉnh là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX. Chính vì vậy, Cửu đỉnh được xem là 1 di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng và của văn hóa Việt Nam nói chung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửu đỉnh - Bức tranh toàn cảnh về đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO