Phát huy tiềm năng, lợi thế đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững

Bình Minh| 24/09/2015 08:00

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế để thực hiện đạt và vượt hầu hết các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. Đây sẽ là cơ sở để Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo các cấp, ngành phấn đấu đưa kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững sau năm 2020.

ADQuảng cáo

Người dân chọn mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông. Ảnh: Thanh Nga

ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ LỚN

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, 10/13 nhóm chỉ tiêu lớn đã đề ra trong nghị quyết đều đạt, vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước là 12,65%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ở khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp tăng khá, thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh.

Giá trị gia tăng lĩnh vực sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 2.494 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,8%. Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản từng bước phát triển, giá trị sản xuất không ngừng được tăng lên.

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD, đạt 127% so với nghị quyết đề ra, tăng bình quân hàng năm là 22,87%. Hệ thống các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế hợp tác ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 3.217 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 1.889 doanh nghiệp đang hoạt động, với nguồn vốn đăng ký bình quân 8,81 tỷ/doanh nghiệp.

Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh lớn được triển khai tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế cao cho những năm tới. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đã tăng từ 45 triệu đồng năm 2010 lên 70 triệu đồng năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,1% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 29,25% vào năm 2010 xuống còn 12% năm 2015.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,48 triệu đồng, vượt 9,48 triệu đồng so với nghị quyết đề ra. Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị là một trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh được lãnh đạo tập trung và đạt một số kết quả bước đầu.

Hạ tầng kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, toàn tỉnh đã thực hiện nhựa hóa 100% đường tỉnh, 80% đường huyện, 100% bon, buôn có từ 1-2 km đường nhựa đạt nghị quyết đề ra. Hệ thống điện, hạ tầng văn hoá, xã hội được đầu tư xây dựng đã làm cho diện mạo khu vực nông thôn thay đổi đáng kể.

Các chỉ tiêu về xã hội cũng đạt được nhiều kết quả. Toàn tỉnh đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm có 7/7 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác việc làm và đào tạo nghề có bước phát triển. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.020 người, giải quyết việc làm cho 88.620 lao động, đạt 100% kế hoạch.

Hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, cơ sở vật chất y tế được chú trọng đầu tư nâng cấp, đạt 15,1 giường bệnh/vạn dân và 7,3 bác sĩ/vạn dân cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở  trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 21%; 97% dân số dùng nước hợp vệ sinh. Công tác tổ chức xây dựng đảng được quan tâm đúng mức, đồng bộ, liên tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Số lượng, chất lượng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Trong nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 6.295 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 21.300 đảng viên; “xóa” được 18 thôn, bản “trắng” đảng viên là người tại chỗ.

Công nhân Công ty TNHH Hồng Đức phân loại sản phẩm hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Thanh Nga

RÚT RA NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM SÂU SẮC

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận, các mặt lãnh đạo trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém nổi lên. Quy mô nền kinh tế nhỏ bé và cơ bản vẫn là nền kinh tế thuần nông dựa vào khai thác tự nhiên là chính, hiệu quả thấp. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa chặt chẽ, kém hiệu quả, nhất là quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai và rừng.

ADQuảng cáo

Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sản xuất và đời sống. Mặt bằng dân trí, nguồn nhân lực xã hội, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao còn khó khăn. Các nhóm chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tài chính (Tổng vốn huy động toàn xã hội, thu ngân sách) và văn hóa (Tỷ lệ gia đình, thôn, buôn, cơ quan, đơn vị, xã, phường đạt chuẩn văn hóa) không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra…..

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý hành chính nhà nước còn có sự bất cập trên cả 4 lĩnh vực thể chế, bộ máy, cán bộ và tài chính công. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đề ra quyết sách và tổ chức thực hiện thiếu nhịp nhàng, đồng bộ. Tích hợp những điểm yếu trên làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không cao, kỷ cương điều hành, quản lý xã hội không nghiêm.

Việc vận dụng cơ chế chính sách có lúc chưa thật sự phù hợp; một số chính sách đã ban hành nhưng không đi vào cuộc sống; Chưa thực hiện tốt các giải pháp có tính đột phá trong các lĩnh vực trọng yếu để trở thành động lực thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh….

Từ đây, chúng ta có thể đúc rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đầu tiên là bài học về nhân tố con người, ở đâu có cán bộ tốt, nhất là người đứng đầu thì ở đó có phong trào cách mạng tốt; ở đâu có nhiều cán bộ tốt, ít cán bộ chưa tốt thì ở đó có phong trào cách mạng tốt hơn. Cán bộ tốt là cán bộ có trí tuệ, năng lực, đạo đức, tinh thần trách nhiệm nói đi đôi với làm, dám hy sinh và thật sự gương mẫu đi đầu. Phải xem công tác cán bộ là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, có tính quyết định đối với sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị và mọi cấp ủy đảng đều phải coi trọng nhiệm vụ này.

Hai là, bài học về sự phát triển hài hòa, ở bất cứ địa phương nào bên cạnh mục tiêu trực tiếp là gia tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho đông đảo nhân dân đều cần phải gắn với mục tiêu “an dân”. Do đó, việc phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển xã hội, phải phù hợp với yêu cầu bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đồng thời, không làm xấu đi môi trường sinh thái của hiện tại và tương lai. Phát triển hài hòa cũng đòi hỏi sự hài hòa về lợi ích thu được của các bộ phận xã hội khác nhau từ quá trình phát triển; không vì yêu cầu phát triển mà làm phương hại đến lợi ích của một bộ phận xã hội nào đó, nhất là các nhóm xã hội có điều kiện khó khăn hơn.

Ba là bài học về công tác xây dựng Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền duy nhất, sự lãnh đạo của Đảng chi phối đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời điều kiện đó cũng tạo ra khả năng chủ quan, tự mãn, dễ mắc sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo. Ở đâu, tổ chức đảng có sức chiến đấu cao thì cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, huy động được sức mạnh của toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ của Đảng. Ở đâu tổ chức đảng mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu thì ở đó hệ thống chính trị hoạt động rời rạc, thiếu gắn kết, thiếu định hướng, không huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng đất nước. Vì vậy, các cấp ủy đảng phải nhận thức đầy đủ tính chất, vai trò của mình và thường xuyên chăm lo công tác xây dựng tổ chức đảng, đặc biệt là đối với công tác cán bộ, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

Mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao của gia đình ông Nguyễn Ngọc Vân, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh: Hồ Mai

PHẤN ĐẤU ĐƯA KINH TẾ, XÃ HỘI PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh Đắk Nông thoát ra khỏi tỉnh nghèo, phát triển nhanh và bền vững, đến năm 2020 đạt mức thu nhập bình quân chung của cả nước”, Đảng bộ sẽ tập trung lãnh đạo các cấp, ngành thực hiện hiệu quả nhiều nhóm giải pháp.

Theo đó, đối với phát triển kinh tế, hạ tầng, toàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng quy hoạch; quản lý, khai thác, chế biến sâu có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; quản lý nghiêm ngặt và phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Các ngành, địa phương tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông liên vùng và các công trình thủy lợi có chức năng mở rộng diện tích tưới, chống hạn.

Tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương khởi động lại dự án đường sắt đa dụng để phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên và công nghiệp bô xít - alumin - nhôm - sắt xốp; Tiếp tục đầu tư tập trung và tạo đột phá về phát triển nông nghiệp theo định hướng ứng dụng công nghệ cao dựa trên lợi thế về khí hậu và đất đai, gắn với xây dựng nông thôn và nông dân.

Tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tập trung hai mũi nhọn có lợi thế lớn là công nghiệp chế biến sâu alumin - nhôm - sắt xốp và chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm nghiệp để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, tập trung cho dịch vụ tài chính-ngân hàng, dịch vụ nông nghiệp, chuyển giao khoa học - công nghệ và dịch vụ hỗ trợ công nghệ alumin - nhôm - sắt; đẩy mạnh thu hút đầu tư để tạo nguồn lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; phát triển hệ thống doanh nghiệp - hợp tác xã và kinh tế hợp tác.

Ông Nguyễn Nguyên Hữu ở thôn 3, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đưa cây ớt vào trồng trong vụ đông xuân cho thu nhập trên 60-70 triệu đồng/4 sào. Ảnh: Văn Tâm

Về văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, Đảng bộ sẽ lãnh đạo tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục một cách toàn diện; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đảng bộ lãnh đạo phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục thể thao; nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động bổ trợ tư pháp, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh cải cách tư pháp, thực hiện tốt công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phát huy những thành quả đạt được, đánh giá, nhìn nhận tồn tại, hạn chế, đúc rút những bài học kinh nghiệm sâu sắc, triển khai nhiều giải pháp phục vụ phát triển một cách hiệu quả trong thời gian tới sẽ sớm đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tỉnh nghèo, phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2020 đạt mức thu nhập bình quân chung của cả nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng, lợi thế đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO