Những “ngọn lửa thiêng” ở Trường Sa

Hà An| 18/10/2018 14:37

Chúng tôi muốn nói đến những trạm hải đăng (hay còn gọi nhà đèn) đang ngày đêm thắp sáng giữa biển khơi để giúp tàu thuyền nhận biết phương hướng, tín hiệu; đồng thời khẳng định chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.

ADQuảng cáo

Ra thăm Quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ngoài những đảo, điểm đảo, nhà giàn còn có sự hiện của 9 ngọn hải đăng hoạt động với hàng trăm công nhân ngày đêm miệt mài với công việc vận hành, bảo quản, bảo dưỡng…

Ngọn hải đăng Đá Tây có độ cao 20m, nằm ở đảo Đá Tây, Quần đảo Trường Sa (Việt Nam)

Người 22 năm “trấn giữ” nhà đèn

Khi ghé thăm đảo Đá Tây A, thuộc Quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp gặp anh Trịnh Văn Nguyên (48 tuổi), Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Tây. Với nước da đen sạm bởi biển mặn gió đầu nhưng toát ra vẻ hào sảng của con người “đầy chất biển” với 22 năm gắn bó cùng biển cả, anh Nguyên vui vẻ chia sẻ: tuổi thanh xuân của mình đã cống hiến trọn đời cho biển. Năm 1996, khi đứa con trai đầu lòng sinh ra chưa tròn 1 tuổi, tôi đã xa vợ con, nhận công tác ở Trường Sa với vai trò là công nhân Trạm hải đăng đảo Đá Lát. Từ đó đến nay, sau nhiều lần chuyển các trạm hải đăng khác nhau trên vùng biển Trường Sa, hiện đảm nhiệm Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Tây. Anh Nguyên cho biết, Trạm hải đăng Đá Tây được nhà nước xây dựng năm 1994, một trong những trạm hải đăng lâu đời nhất ở Quần đảo Trường Sa. Khác với những trạm hải đăng ở đảo nổi, Trạm hải đăng Đá Tây được xây dựng trên nền đá san hô ngầm, xung quanh là nước biển. Vì vậy, không gian sinh hoạt của anh em tại trạm cũng chỉ vỏn vẹn mấy chục m2. Vậy nhưng, suốt mấy chục năm nay, đèn tín hiệu trên tháp trạm chưa bao giờ tắt do có bàn tay của những công nhân suốt ngày duy tu, bảo quản, vận hành.

Anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Tây trả lời phỏng vấn các phóng viên

Không chỉ với nhiệm vụ giữ cho ngọn lửa trên tháp cao không bao giờ tắt, những anh em ở trạm hải đăng còn có nhiệm vụ phối hợp với các chiến sỹ trên đảo cứu hộ ngư dân mỗi khi gặp nạn. Với 22 năm sinh sống ở Quần đảo Trường Sa, khi hỏi những kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất, anh Nguyên trầm ngâm một lúc và nói: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng gần đây nhất, khi cơn bão số 6 hồi cuối năm 2017 đổ bộ vào vùng biển nước ta. Mặc dù đã phát tín hiệu đèn và thông báo tọa độ, hướng di chuyển để ngư dân đang đánh bắt hải sản trong vùng biển tránh trú bão, nhưng trong lúc bão đổ bộ, trạm nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá ngư dân bị gió cuốn lạc mất phương hướng. Phối hợp với các chiến sỹ trên đảo, anh Nguyên cùng một số chiến sỹ ở đảo Đá Tây A chạy ca nô “xé bão” dò theo tín hiệu để cứu hộ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, anh cùng các chiến sỹ đã tìm được tàu cá của ngư dân ta đang trôi dạt gần vùng biển Philippines. Sau khi tìm được tàu của ngư dân, trên tàu có 15 người, đều là ngư dân ở Huế ra vùng biển đánh bắt.

“Khi ca nô tiếp cận được tàu cá và tiến hành lai dắt về vùng an toàn, tôi nghe trên tàu có tiếng người đàn ông gọi điện về cho gia đình báo là đã được cứu sống. Lúc này tôi thấy xúc động vô cùng và có thêm nghị lực, quyết tâm để tiếp tục bám biển, bám những ngọn hải đăng để thắp sáng giữa biển khơi giúp ngư dân chúng ta yên tâm hoạt động trên vùng biển”- anh Nguyên cho biết.

ADQuảng cáo

Đại tá Trần Minh Thuần, Trưởng đoàn công tác tặng quà các công nhân Trạm hải đăng Đá Tây

Kiệt tác kiến trúc giữa biển

Không đơn thuần chỉ là điểm phát sáng để định hướng, báo tin cho ngư dân, những ngọn hải đăng trên Quần đảo Trường Sa Việt Nam là một kiến trúc tổng thể, thống nhất theo quy ước được cơ quan thủy đạc quốc tế công nhận do Việt Nam thiết kế và duy trì.

Tại Quần đảo Trường Sa hiện có 9 trạm hải đăng gồm: Đá Tây, Nam Yết, Đá Lát, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây, An Bang, Sơn Nữ và hải đăng Trường Sa Lớn. Điều thú vị là kiến trúc tháp, thiết kế ánh sáng, độ cao, màu sơn… mỗi ngọn hải đăng không giống nhau nhưng lại nằm trong một quần thể hải đăng trên biển. Đơn cử, cùng được xây dựng năm 1994 nhưng hải đăng Đá Tây và hải đăng Đá Lát  lại có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Hải đăng Đá Lát được đặt trên đảo Đá Lát, nằm ở vị trí cực tây quần đảo Trường Sa, có chiều cao tháp đèn 42m. Hải đăng phát ánh sáng trắng, chu kỳ chớp 5 giây, thân đèn có màu trắng - đỏ xen kẽ. Còn hải đăng Đá Tây có thân màu xám sẫm, nằm trên đảo chìm Đá Tây, chiều cao tháp đèn là 20m, tâm sáng 22m, chu kỳ chớp 10 giây…

Ngọn hải đăng Đá Lát có độ cao tháp đèn 42m

Mặc dù không có dịp ghé thăm tất cả 9 ngọn hải đăng song qua tìm hiểu, mỗi ngọn hải đăng, tùy vào khu vực, điều kiện vùng biển mà có chiều cao, màu sắc, ánh đèn và độ chớp khác nhau như hải đăng Nam Yết thì cột tháp màu trắng - đỏ - trắng, chiều cao tháp đèn là 24,9m, chu kỳ chớp 15 giây; hải đăng Sinh Tồn có tháp hình vuông màu vàng, chiều cao tháp đèn là 24,9m; hải đăng An Bang có tháp hình trụ màu xám sẫm, chiều cao tháp đèn là 24,9m...

Theo anh Đỗ Trường Xuân, Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Lát, người có 18 năm gắn bó với các ngọn hải đăng ở Trường Sa thì những cây hải đăng ở quần đảo Trường Sa được thiết kế khác nhau, không cây nào giống cây nào nhưng lại hợp nhất thành một quy ước chặt chẽ. Vì những sự khác nhau đó mà người đi biển có thể xác định được vị trí, độ nông sâu của từng khu vực để định ra phương hướng, tốc độ tàu chạy, khoảng cách trước và sau con tàu… Bên cạnh đó, quy ước hàng hải còn quy định trong vòng 72 hải lý, tính chất chớp, màu sắc, độ cao thấp của hải đăng không được trùng lặp, đây chính là yếu tố kỹ thuật đặc thù, tạo nên sự độc đáo của các ngọn hải đăng trên biển.

Có dịp ghé thăm một số trạm hải đăng, điều chung nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là nghị lực phi thường của những công nhân nơi đây. Do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở biển, các vật liệu xây dựng cột tháp, hệ thống pin năng lượng, đèn chớp… đều bị chất mặn ăn mòn, rất dễ hư hỏng. Nếu ban đêm hay thời tiết xấu, một ngọn hải đăng nào đó không phát tín hiệu sẽ dẫn đến rủi ro cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực như mất phương hướng, va vào các vùng cạn san hô… Vì thế, mặc cho điều kiện khắc nghiệt, các công nhân ở trạm hải đăng đều như những con ong cần mẫn thường xuyên duy tu, bão dưỡng từng thanh sắt, ốc vít, lau chùi đèn chớp để đảm bảo độ phát sáng đúng tín hiệu… Vì vậy, đối với những người đi biển, ngọn hải đăng không chỉ là “kim chỉ nam” trong điều hướng mà còn là “ngọn lửa thiêng” về chủ quyền để tiếp thêm tự tin, nghị lực giữa mênh mông biển khơi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “ngọn lửa thiêng” ở Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO