Xuất khẩu giữ nhịp tăng trưởng

Lê Dung| 18/09/2020 09:17

Giai đoạn 2016-2020, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông tiếp tục được đẩy mạnh. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngày càng mở rộng. Nhờ đó, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa ngày một tăng trên thị trường quốc tế.

ADQuảng cáo

Gia tăng sản phẩm tinh chế xuất khẩu

Theo đánh giá của Sở Công thương, giai đoạn 2016-2020, cơ cấu trong nội bộ ngành Công nghiệp của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Sản phẩm xuất khẩu chế biến sâu ngày càng tăng, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa cho địa phương.

Sơ chế hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hồng Đức, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp)

Trước đây, Đắk Nông chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô như đá xây dựng, gỗ xẻ với khối lượng lớn. Đến nay, số sản phẩm này đã giảm đi, nhường vị trí xuất khẩu cho sản lượng các sản phẩm tinh chế khác. Trong đó, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu đạt khoảng hơn 116.000 tấn/năm; cao su mủ cốm chế biến được khoảng 12.000 tấn/năm; tiêu xuất khẩu gần 3.267 tấn/năm; điều nhân chế biến được khoảng 3.200 tấn/năm và xuất khẩu được hơn 1.000 tấn/năm; sản lượng ván MDF, ván dán sản xuất vào khoảng hơn 70.000 m3/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 30 cơ sở đăng ký chế biến lâm sản và sản xuất mộc dân dụng xuất khẩu với quy mô hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Ngoài các mặt hàng nông, lâm sản, trong kỳ, Đắk Nông còn có thêm các sản phẩm chủ lực mới xuất khẩu là alumin và ván dán công nghệ cao. Đây là những sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, đóng góp không nhỏ vào hoạt động xuất khẩu của toàn tỉnh.

Đóng gói điều nhân xuất khẩu sang các nước châu Âu của Công ty TNHH Điều Đại Thành (Đắk R'lấp)

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp), để phục vụ tốt cho thị trường xuất khẩu, thời gian qua, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư máy móc, công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu. Từ đó, đơn vị góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của địa phương và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Việc đa dạng các mặt hàng phục vụ cho nhiều thị trường khác nhau cũng đang được doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực khai thác một cách hiệu quả nhất. Đây cũng là phương án dự phòng cho những tình huống rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp.

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 5.132 triệu USD, vượt 18,77% so với kế hoạch, tăng 83% so với giai đoạn 2011-2015.

Mở rộng quan hệ thị trường

ADQuảng cáo

Trong giai đoạn 2016-2020, quy mô các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã tăng lên, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF...

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là các thị trường như: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philipin, Nhật Bản... Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới ở các nước châu Phi, Trung Đông…

Sản xuất bột mỳ xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc tại Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song)

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Sản phẩm cà phê xuất qua thị trường Singapore, Mỹ, Đức; hạt điều: thị trường Singapore, Indonesia, Trung Quốc; tiêu: thị trường Hàn Quốc; hạnh nhân: Singapore; ván MDF: Hàn Quốc; alumin: Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhìn chung, hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nước xuất khẩu.

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu của Đắk Nông ngày càng tăng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông sản, trong đó có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là doanh nghiệp Nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

Hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế

Trong giai đoạn 2020-2025, Đắk Nông phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 6.208 triệu USD, tăng trưởng bình quân 1,11%/năm.

Sản phẩm alumin đang được xuất khẩu qua các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành Công thương sẽ kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Đơn vị sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa. Ngành cũng tập trung định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm trên các thị trường xuất khẩu. Việc củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống cũng như mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng sẽ được ngành tiếp tục hướng dẫn triển khai.

Ngành sẽ đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế tới các doanh nghiệp; trong đó, tập trung tuyên truyền về các nội dung: Các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết; phổ biến kiến thức về rào cản kỹ thuật thương mại; các kiến thức khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất kinh doanh; các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu; thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ xuất khẩu…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu giữ nhịp tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO