Động lực từ hạ tầng giao thông

Phan Tuấn - Lê Phước| 15/10/2020 07:21

Những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… không ngừng được đầu tư, nâng cấp, tạo ra sự kết nối giao thương cho các địa phương trên địa bàn tỉnh với các vùng miền khác trên cả nước. Hạ tầng giao thông phát triển cũng là "đòn bẩy" để kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Động lực cho sự phát triển

Giai đoạn 2015-2020, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có sự phát triển vượt bậc, tạo ra sự kết nối, giao thương với các vùng miền.

Đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển những năm qua. Ảnh: Phan Tuấn

Một trong những tuyến đường mang lại sự phát triển lớn nhất đối với tỉnh Đắk Nông là tuyến quốc lộ 14 cũ, nay là đường Hồ Chí Minh. Tháng 7/2015, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chính thức được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuyến đường này có tổng chiều dài 663 km, bắt đầu từ cầu Đắk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước).

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đã tạo ra sự kết nối giữa các vùng miền, mang đến động lực cho tỉnh Đắk Nông ngày càng phát triển. Dự án hoàn thành không chỉ góp phần rút ngắn thời gian đi lại, thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa của Đắk Nông với các tỉnh thành có nền kinh tế phát triển mạnh như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng...

Chị Nguyễn Thị Đượm, một người dân ở huyện Đắk Mil là người đã cảm nhận sâu sắc về sự thay đổi khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng. Chị Đượm cho biết: “Giữa năm 2015, sau khi đường được sửa chữa, đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại ngày càng đông đúc. Đường được xây dựng mới, thông thoáng hơn, gia đình tôi đã tranh thủ lợi thế này để bày bán các loại trái cây. Mùa nào thứ nấy, trong vườn rẫy của gia đình, bà con lối xóm cứ có loại hoa quả nào là gia đình tôi lại nhận bao tiêu đầu ra cho họ. Hàng ngày, gia đình tôi xuất bán được cả tấn trái cây các loại”.

Ở mạn phía Đông của tỉnh Đắk Nông, quốc lộ 28 cũng được đầu tư đáng kể, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông lưu thông êm thuận. Trước đây, quốc lộ 28 chỉ kéo dài 64 km, bắt đầu từ TP. Gia Nghĩa đến huyện Di Linh (Lâm Đồng). Đến năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định nối dài thêm 110 km tuyến tỉnh lộ 684 vào quốc lộ 28 kéo. Nhờ đó, quốc lộ 28 đã kết nối với đường Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk. Đây là tuyến đường huyết mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội các huyện phía Đông của tỉnh.

Thời gian qua, quốc lộ 28 đã được Trung ương quan tâm, bổ sung kinh phí đầu tư, sửa chữa. Những đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng như: Đèo 52, dốc 24 (Krông Nô)... đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới hệ thống mương thoát nước, đổ bê tông, bê tông nhựa lại mặt đường.

Mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp, thế nhưng, các đoạn đường hư hỏng trên quốc lộ 28 từng bước được khắc phục, đầu tư sửa chữa hàng năm. Hiện toàn bộ 174 km trên tuyến đường này đã bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bà con.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở Quảng Sơn cho biết: “Trước đây, tuyến đường này rất ít khi được sửa chữa, nâng cấp, người dân đi lại vô cùng khó khăn, vất vả. Người dân chúng tôi muốn mua nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cũng phải mua với giá cả cao hơn thị trường gấp nhiều lần do đường sá khó khăn. Còn nông sản do người dân làm ra thì bị thương lái ép giá, thu mua với giá rẻ. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi tuyến đường này được nâng cấp lên thành quốc lộ 28. Điều này đã tạo ra sự kết nối, giao thương thuận lợi, người dân chúng tôi có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế”.

Không riêng gì quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã... trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng được nâng cấp, mở rộng trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh nâng cấp được 555 km quốc lộ, tỉnh lộ, đường xã, thôn, bon và đường đô thị. Tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh hiện tại đạt 65%, trong đó đường huyện nhựa hóa đạt 76% (tương đương 498 km, bằng 100% số đường huyện theo phân loại trước đây). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có 59 cầu dân sinh được đầu tư, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Quốc lộ 28 được nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa. Ảnh: Lê Phước

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông

Ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, chỉ khi kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, đi lại... thì nền kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, chi phí vận chuyển thấp, nâng cao chất lượng cạnh tranh cho hàng hóa.

Đối với Đắk Nông, hiện tại chỉ có duy nhất phương thức vận tải đường bộ. Trong thời gian tới, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Sở Giao thông – Vận tải sẽ tham mưu cho các cấp, ngành huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ nhựa hóa đường trên toàn tỉnh từ 65% lên 73% và nâng tỷ lệ đường tỉnh đạt quy mô 2 làn xe từ 19% lên 55%.

Cũng theo ông Nguyễn Nhân Bản, trong thời gian tới, ngành giao thông sẽ tham mưu cho tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm, nâng mức hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Trong đó, đề nghị có cơ chế đặc thù về chính sách cũng như tăng mức phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông để phát triển kết cấu hạ tầng gia thông.

Đặc biệt, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh đề xuất Chính phủ sớm triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Việc phát triển cao tốc lên Tây Nguyên, trước mắt cần ưu tiên đoạn Đắk Nông – Bình Phước. Bởi vì hiện tại, việc lưu thông chính qua 2 tỉnh này chỉ có duy nhất đường Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Đắk Nông đi Bình Phước là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ. Thế nên, hàng ngày lưu lượng phương tiện dồn về tuyến đường này là rất lớn.

Việc phát triển cao tốc cũng nhằm phục vụ tốt cho ngành công nghiệp khai khoáng bô xít, điện phân nhôm, tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông và các địa phương khác, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực từ hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO