Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Vũ Trang| 02/09/2020 08:37

Nhiệm kỳ 2015-2020, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác đào tạo nghề cho người lao động đạt được những kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

ADQuảng cáo

Thay đổi nhận thức về học nghề

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp THCS, anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa) đăng ký học nghề điện công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông (cũ). Năm 2014, sau khi học xong, anh Toàn được giới thiệu vào làm việc tại bộ phận sửa chữa điện Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Với công việc và thu nhập ổn định, anh Toàn yên tâm chăm lo đời sống của bản thân và gia đình.

Với việc làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, thanh niên đã dần thay đổi tư duy về việc học nghề

Anh Toàn cho biết: “Mình lựa chọn học nghề vì cảm thấy phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân. Thêm vào đó, mình cũng tin rằng, cơ hội việc làm sau khi học nghề sẽ luôn rộng mở với bất kì ai nỗ lực và khẳng định bản thân với nghề nghiệp mà mình đã chọn”.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cho biết thêm: “Trong những năm gần đây, với việc làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng, nhiều học sinh và phụ huynh đã dần thay đổi tư duy về học nghề. Tại đơn vị, trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi thường thông tin cho học sinh về các cơ hội việc làm khi có tay nghề. Cùng với đó, trường từng bước thay đổi phương thức đào tạo, đi sát với thực tiễn, trở thành cầu nối để các em tiếp cận với các doanh nghiệp”.

Gắn đào tạo nghề với thế mạnh của địa phương

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay, toàn tỉnh có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị có chức năng đào tạo nghề. Để phát triển bền vững, các cơ quan dạy nghề tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức tuyển sinh các lớp dạy nghề tại nơi cư trú, bảo đảm đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Các hình thức đào tạo được đa dạng hóa, dựa trên những thế mạnh của địa phương, tập trung vào lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, may…

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh để mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo gắn với việc làm sau đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo...

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 22.054 người, vượt 16% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI; trong đó, có 1.348 người trình độ trung cấp, 20.706 người trình độ sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng.

Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Ông Trần Xuân Cảnh, Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.

ADQuảng cáo

Không những vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi trong sản xuất, chăn nuôi. Người lao động mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề. Nhiều gia đình biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, từng bước xóa đói giảm nghèo…

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt

Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 384.500 người trong độ tuổi lao động. Qua các năm, số lượng lao động được đào tạo nghề có tăng nhưng các điều kiện để bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ. Do đó, việc thực hiện nghị quyết chỉ mới đạt chỉ tiêu đào tạo mà chưa đạt được hiệu quả, chất lượng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động phải được đẩy mạnh. Các chỉ tiêu về dạy nghề phải tiếp tục được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin về thị trường lao động phải được tăng cường, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao, đồng thời, khảo sát, đánh giá nhu cầu lao động làm việc ở nước ngoài của các địa phương để có kế hoạch, giải pháp tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho người lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ở các nước.

Ông Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Quan điểm về công tác đào tạo nghề trong giai đoạn sắp tới là phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh trong từng giai đoạn. Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng phải phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội và đáp ứng nhu cầu lao động thực tiễn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Ảnh: Báo Đắk Nông

Xây dựng những giải pháp cụ thể

Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng những giải pháp cụ thể nhằm từng bước nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, các cấp trình độ, các ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu học nghề, trình độ học vấn của người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường gắn kết doanh nghiệp nhằm bảo đảm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và phát triển doanh nghiệp bền vững. Người học sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với mức vay phù hợp với ngành, nghề được đào tạo nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế bằng nghề đã được học.

Tỉnh tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, trong đó, ban hành văn bản hướng dẫn rõ ràng, chi tiết trình tự, thủ tục giải thể các cơ sở dạy nghề không hoạt động hoặc ngừng hoạt động trong thời gian dài để thường xuyên rà soát, tinh gọn mạng lưới và quy hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với công tác đào tạo nghề, đồng thời thực hiện mở rộng và tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng và ban hành những chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí để giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ cao đối với ngành nghề kỹ thuật phục vụ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tại địa phương, như nhóm ngành kỹ thuật khai thác khoáng sản, chế biến quặng, chế biến nông sản... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển kinh tế theo hướng chuyên sâu…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO