Xây dựng văn hóa Đảng, xây dựng niềm tin vào Đảng

Tường Mạnh| 25/09/2015 09:28

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã nhấn mạnh, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong một lần nói chuyện với đội ngũ văn nghệ sĩ mới đây, đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã tâm sự: Đắk Nông có tài nguyên bô xít, đất đỏ bazan, là những nguồn lực quan trọng để tạo ra của cải vật chất, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “điều kiện cần”, đi kèm với nó đòi hỏi chúng ta còn phải xây dựng đời sống tinh thần, phát triển văn hóa, bồi dưỡng con người có tâm hồn, nhân cách, lối sống đẹp thì cuộc sống của mỗi người mới có chất lượng cao, đúng nghĩa.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề cập rất rõ ràng đến vấn đề này. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức phải đi trước, làm trước, chung sức xây dựng văn hóa trong Đảng, bằng trí tuệ, tinh thần, bầu nhiệt huyết để làm gương, xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Tiết mục "Ca ngợi Tổ quốc" khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ  V, năm 2015. Ảnh: Mỹ Hằng

Với những tâm sự chân thành, gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho thấy, xây dựng văn hóa Đảng không phải là điều gì cao xa, trừu tượng cả mà nó cần được thể hiện ngay trong đạo đức, lối sống, ý thức, trách nhiệm, thái độ ứng xử với công việc, cuộc sống hàng ngày của chính mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn đã chứng minh, ở địa phương, đơn vị nào mà cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò “đi trước, làm trước” trong các phong trào, hoạt động thì luôn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, động viên được các tầng lớp nhân dân noi theo, làm theo.

Không nói đâu xa, ngay như trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ở các địa phương đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên luôn nêu gương sáng, sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh cũng như ra sức vận động nhân dân tham gia tích cực.

Trách nhiệm, vai trò, những nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng lên trên hết, trước hết của người đảng viên đã tạo niềm tin trong nhân dân, thể hiện văn hóa Đảng một cách sâu sắc nhất.

Thế nhưng, ngược lại, nếu có những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, không lo việc chung của cộng đồng mà luôn tìm cách thoái thác, hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tư lợi thì chắc chắn cũng đánh mất lòng tin trong dân vào Đảng không ít. Nói như vậy để thấy, xây dựng, thể hiện, phát huy văn hóa Đảng cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, đảng viên hàng ngày phải luôn soi rọi vào việc làm, hành động, lời nói của chính mình.

Trong thực tế lịch sử đấu tranh cách mạng, hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên của Đảng đã hy sinh anh dũng, trong sáng vô tư vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, góp phần to lớn trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân.

Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và nhân dân ta đòi hỏi phải phát huy cao độ năng lực, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn.

Hơn nữa, trước thực trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng ngày càng “phổ biến hơn, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn”, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng củng cố, chỉnh đốn, xây dựng văn hóa trong Đảng.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) cũng đã nhấn mạnh, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Qua đó cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước.

Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo, thể hiện văn hóa của Đảng.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ảnh: Ngọc Tâm

Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp luôn  là những biểu hiện thực tế, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, xã hội của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên và đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa. Bằng trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, đạo đức, ý thức, trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa cũng như vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa Đảng, xây dựng niềm tin vào Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO