Về lấy ý kiến quần chúng góp ý vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Tạp chí Xây dựng Đảng| 22/09/2015 17:07

Các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã được công bố toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ chức, cấp ủy đảng và đảng viên sẽ có nhiều “kênh” và có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào các Văn kiện của Đảng.

Nhưng còn một lực lượng vô cùng quan trọng ngoài Đảng, rất cần được tập hợp, đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Đảng. Đó là lực lượng quần chúng đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng có tính quyết định đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, làm nên những thắng lợi và thành tựu của cách mạng nước nhà từ trước tới nay.

Rút kinh nghiệm các đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở thời gian qua, ở nhiều nơi, việc đóng góp ý kiến của các tầng lớp quần chúng nhân dân vào các văn kiện còn thiếu cụ thể, không sâu sắc, thậm chí chưa quan tâm việc lấy ý kiến đóng góp, những “hiến kế” của quần chúng nhân dân để giải quyết những vấn đề của cuộc sống mà người dân đặt ra. Đảng ta là đảng cầm quyền, có trách nhiệm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng.

Việc tập hợp ý kiến của quần chúng đóng góp vào Dự thảo các Văn kiện của Đảng, chúng ta có thể vận dụng lời dạy của Bác Hồ để làm tốt hơn. Theo Người, chúng ta “phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”; “phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia, việc gì cũng từ trên dội xuống. Từ nay việc gì cũng phải từ dưới nhoi lên”.

Bác Hồ rất hay dùng chữ “khéo”. Khéo ở đây là một phương pháp cách mạng đạt đến mức nghệ thuật. Không phải dễ dàng đạt tới mức “khéo” theo yêu cầu của Bác Hồ mà cần có thời gian, rèn luyện kỹ năng vận động, thuyết phục, thế nhưng, việc lấy ý kiến quần chúng đóng góp vào các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cần được các tổ chức, cấp ủy đảng, các thành viên hệ thống chính trị, những người đứng đầu... quan tâm tổ chức một cách chu đáo, bài bản.

Các tổ chức, cấp ủy đảng, người lãnh đạo cần tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân, quần chúng đông đảo. Chỉ có liên hệ với quần chúng thì mới hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc của quần chúng để tìm cách giải quyết. Có như vậy, quần chúng mới thật sự quan tâm đến đại hội Đảng, xem đại hội giải quyết những vấn đề của dân chúng như thế nào, ai là người được bầu vào cấp ủy, có xứng đáng với sự chờ đợi của người dân hay không.

Hiện tượng xa dân, “xuân thu nhị kỳ” hay khi người dân gặp khó khăn, bức xúc mà không thấy sự quan tâm của cấp ủy đảng, của người lãnh đạo cấp ủy sẽ phần nào được khắc phục, lấy lại niềm tin của dân nếu các tổ chức, cấp ủy đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhân dân, gắn bó hơn với người dân cả trước, trong và sau đại hội Đảng.

Luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu quần chúng. Trong lịch sử của Đảng 85 năm qua, lúc nào quần chúng cũng là “tai”, là “mắt” của Đảng. Dù các tổ chức, cấp ủy đảng có “nghìn tai nghìn mắt” cũng không bằng “tai”, “mắt” của quần chúng có ở khắp mọi nơi. Quần chúng biết rất rõ về tổ chức, những cán bộ quanh mình. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào thật lòng với dân, cán bộ nào đến với dân một cách hình thức, lấy lệ.

Trong công tác cán bộ của ta nếu các tổ chức, cơ quan, người đứng đầu có trách nhiệm... thật sự chịu lắng nghe ý kiến đánh giá của quần chúng, nhân dân thì sẽ không để lọt lưới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong Đảng. Cách tiếp xúc với dân theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, với tầng tầng, lớp lớp cán bộ địa phương, cơ sở đi cùng thì rất khó làm cho quần chúng nói hết tâm can của mình ra. Nếu cán bộ thành tâm, chịu khó lắng nghe thì chỉ có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Trọng dân, thật sự tin tưởng vào quần chúng, đưa mọi vấn đề ra bàn bạc với quần chúng thảo luận, tìm cách giải quyết. Trọng dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để dân tin. Không tôn trọng dân, không có cơ chế phát huy tốt quyền làm chủ của người dân sẽ góp phần làm cho khoảng cách giữa Đảng, Nhà nước với người dân ngày càng xa.

Căn bệnh khá phổ biến ở nhiều nơi là bên trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp, yên ổn, bên dưới thì có gì cũng không dám nói ra. Quần chúng không nói, không phải là vì họ không có ý kiến mà nhiều khi họ nói ra, cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị trù dập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra 3 hạn chế trong việc vận động quần chúng thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là, “dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ cho nên làm không đến nơi đến chốn. Hai là vì dân chúng bị miễn cưỡng, nên không vui lòng. Ba là vì dân chúng không hiểu rõ, nên việc đó không được lâu dài bền vững”. Có một điều cần chú ý là, ý kiến, kiến nghị, đề xuất, sáng kiến của quần chúng thường lẻ tẻ, phân tán, không có hệ thống, do vậy, những người có trách nhiệm phải “khéo” gom góp, sắp xếp lại một cách có hệ thống, bài bản để nghiên cứu, đúc kết thành đường lối. Đây là một việc mất nhiều thời gian, cầu kỳ, tỉ mỉ, khéo tổ chức lực lượng  thì nhất định sẽ thành công.

Một trong những khâu nhất thiết phải thực hiện, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” là các tổ chức, cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, sau khi lấy ý kiến đóng góp của quần chúng vào các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng là sự tiếp thu, hồi âm, giải trình những ý kiến đóng góp, sáng kiến của quần chúng. Có như vậy, quần chúng càng cảm nhận sự tôn trọng của Đảng đối với những ý kiến đóng góp của mình, góp phần làm cho mối quan hệ Đảng - Dân ngày càng gắn bó mật thiết hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về lấy ý kiến quần chúng góp ý vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO