Nghĩ về từ “DÂN” trong chiều dài lịch sử

Hồ Miền| 24/09/2015 07:32

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết, trong đó có câu: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta".

ADQuảng cáo

1. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, đất nước, dân tộc ta luôn phải gồng mình chống lại các thế lực ngoại xâm mạnh hơn nhiều lần để có thể tồn tại, độc lập. Vậy đâu là yếu tố tiên quyết, xuyên suốt làm nên những chiến thắng của dân tộc?

Như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, có thể tóm lại trong một từ “DÂN”. Dân tin, dân theo thì thành công; dân không tin, dân không theo thì thất bại. Bài học của tất cả các cuộc chống ngoại xâm thất bại trong lịch sử Việt Nam là ở chỗ người tổ chức kháng chiến đã không huy động được sự đóng góp của dân. 

Đoàn dân công đẩy xe đạp thồ chở vũ khí, lương thực, thuốc men... lên trận tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, vận chuyển hàng trăm km. Ảnh tư liệu

Hồ Quý Ly là một người anh hùng, tài ba, lỗi lạc, nhà cải cách lớn. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi có lời thơ trân trọng khi viết về Hồ Qúy Ly, gọi họ Hồ là anh hùng: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật, Anh hùng di hận kỷ thiên niên – Quan hải” (Họa phúc đều có đầu mối, đâu phải một ngày, Anh hùng để lại mối hận đến mấy ngàn năm – Đóng cửa biển).

Song cũng chính Nguyễn Trãi đã chỉ ra cái yếu của nhà Hồ là “chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận” và Nguyễn Trãi đã nêu suy nghiệm của mình về sự tồn vong của lịch sử, triều đại mất là do không được lòng dân.

Khi đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô của quân Minh mà quân đội nhà Hồ “trăm vạn người trăm vạn lòng” thì dù có trăm tay nghìn mắt, dù có tả xung hữu đột trên các phòng tuyến kiên cố, Hồ Quý Ly cũng không có cách nào ngăn cản nổi các cuộc tấn công ào ạt của quân Minh. Thất bại của cuộc kháng chiến của nhà Hồ là điều không tránh khỏi.  

Mọi chiến thắng huy hoàng của nước ta trước giặc ngoại xâm hung ác đều là cuộc chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vì sao? Theo các Nhà sử học Việt Nam là vì các cuộc chiến tranh của chúng ta tổ chức đều là chiến tranh vệ quốc, mà kẻ thù xâm lược nước ta thường đều là các đại đế chế hùng mạnh nhất thế giới đương thời, chúng ta luôn phải “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ lấy chí nhân thay cường bạo”, trong điều kiện như thế, người lãnh đạo kháng chiến không thể không đặt cược thành công ở sự đóng góp của toàn dân.

Và điều đó rút ra “Giữ nước chính là giữ dân vậy. Muốn giữ dân, một chính quyền phải thực sự vì dân”.

2. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm dân là gốc là quan điểm khoa học, toàn diện. Đó là sự kế thừa những tinh hoa dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Từ thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh lưu ý: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém…Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do hạng hăng hái đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên. Phải học hỏi dân chúng, nhưng “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”; phải “tìm ra mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau, xem cái nào đúng, cái nào sai” để vận dụng.

Một sự kiện được nhiều người nhắc tới là tháng 10/1949 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận. Người diễn đạt rất khái quát: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Quan điểm của Người thật rõ ràng: Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Trong Di chúc Bác Hồ có đoạn: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân". Đó là nguyên văn trong Di chúc, cũng đủ để nói lên sự ưu ái và đánh giá cao mối quan hệ gắn bó giữa dân với Đảng, trách nhiệm của Đảng đối với công lao to lớn của nhân dân.
Tư tưởng đó của Bác thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong suốt các thời kỳ cách mạng thành Mặt trận Dân tộc thống nhất, thành chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đoàn kết trong Đảng, qua đoàn kết toàn dân tộc mà mở rộng ra đoàn kết quốc tế, đưa đến kết quả tất yếu: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công".

ADQuảng cáo

Đảng ta là Đảng cầm quyền, để có đại thành công, tùy thuộc quyết định vào mối quan hệ Đảng - Dân. Và nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết, trong đó có câu: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta".

Phục dựng Lễ kết nghĩa giữa hai bon tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đắk Glong lần thứ IV, năm 2015. Ảnh: Văn Tâm

3. Nước ta mới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây là dịp để nhìn nhận lại chặng đường 70 năm, nhìn lại những thành tựu, cùng những thời cơ, thách thức, rút ra bài học kinh nghiệm để có thể tính tiếp con đường phát triển trong tương lai.

Có thể nói Cách mạng tháng Tám là một bước thay đổi hoàn toàn, từ chế độ phong kiến thực dân chuyển sang chế độ dân chủ nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám, chỉ một thời gian rất ngắn, trong hoàn cảnh tròng trành giữa bão tố, chúng ta đã tập trung để xây dựng một nhà nước mới, thể chế mới trở thành nền tảng ban đầu cho toàn bộ quá trình phát triển cho đến ngày nay.   

Tiếp đến là thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, 20 năm kháng chiến chống Mỹ… đều là những trang sử rất hào hùng, đều có sự hy sinh, đóng góp hết sức to lớn của nhân dân.

Nước ta có thời kỳ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn (thời kỳ phe XHCN đi vào khủng hoảng, tan rã). Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, chúng ta đã tiến hành Đổi mới, với sự đồng tình và đi theo Đảng của nhân dân, cuộc sống hồi sinh nhanh chóng.

Ba mươi năm đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Bên cạnh những thành tựu, chúng ta còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng thụ đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới tinh vi và thâm độc chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng có mặt bị giảm sút.

Trong 30 năm đổi mới, thành tựu chúng ta đạt được là rất to lớn, nhưng hạn chế, khuyết điểm cũng không ít. Một số nguyên nhân do yếu tố khách quan tác động, còn phần nhiều là do yếu tố chủ quan. Do vậy, giải quyết những vấn đề đặt ra về hạn chế, khuyết điểm cũng cần phải xuất phát xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là phải được thể hiện ở các chủ trương, chính sách của nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội là vì dân.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhân dân đã và sẽ mãi mãi là người làm nên lịch sử. Thực hiện tốt Di huấn của Bác Hồ về lấy dân làm gốc, chắc chắn bộ máy Nhà nước ta sẽ “chạy” đều, hiệu quả quản lý điều hành chắc chắn có hiệu lực cao. Đó là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về từ “DÂN” trong chiều dài lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO