Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy đang “bám rễ” vào cuộc sống

Hà An| 24/09/2015 07:43

Ngày 17/11/2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 07). Đây được xem là cơ sở quan trọng để tăng cường vai trò lãnh đạo, định hướng của các cấp ủy đảng trong việc tranh thủ tốt nguồn lực để quy hoạch, xây dựng mạng lưới đô thị trên địa bàn một cách đồng bộ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển.

Hạ tầng đô thị Kiến Đức (Đắk R'lấp) ngày càng được đầu tư khang trang, đồng bộ

BÁM SÁT MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG

Ngoài việc đưa ra các nội dung lãnh đạo toàn diện từ nguồn nhân lực, định hướng quy hoạch đến huy động nguồn vốn đầu tư, Nghị quyết 07 cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể cho lộ trình xây dựng, phát triển đô thị trong từng giai đoạn để các cấp, ngành triển khai thực hiện. Cụ thể, mục tiêu của nghị quyết đưa ra là phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 20%.

Toàn tỉnh có 7 đô thị gồm: Gia Nghĩa, Đắk Mil (Đắk Mil), Ea T’ling (Chư Jút), Đắk Mâm (Krông Nô), Đức An (Đắk Song), Kiến Đức (Đắk R'lấp), Quảng Khê (Đắk Glong) và chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để xây dựng đô thị khi thành lập huyện mới Đức Xuyên. Đến nay, thị xã Gia Nghĩa đã trở  thành đô thị loại III; 2 thị trấn Đắk Mil và Kiến Đức trở thành đô thị loại IV…

Trên cơ sở định hướng, mục tiêu nghị quyết, ngay từ đầu, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai cho các cấp, ngành, địa phương thực hiện với quan điểm phát triển đô thị phải gắn với quy hoạch tổng thể cũng như phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội.

Điều quan trọng hơn, việc xây dựng và phát triển đô thị phải nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân theo đúng nội dung, tinh thần mà nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Với tinh thần đó, sau gần 4 năm triển khai, Nghị quyết 07 đã và đang được các đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng các hình thức, cách thức linh hoạt và phù hợp để phát triển tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.

Nếu như năm 2011, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh mới chỉ đạt 14% thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 20%, tăng bình quân hàng năm khoảng 1,3% như mục tiêu nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, đến nay, thị xã Gia Nghĩa-trung tâm hành chính, chính trị và kinh tế của tỉnh cũng đang phát triển đúng lộ trình, định hướng.

Quy mô về dân số, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở thị xã được mở rộng, chỉnh trang khá đồng bộ, hiện đại và đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III. Các đô thị như Đắk Mil, Kiến Đức cũng đã trở thành đô thị loại IV theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra của nghị quyết.

Chưa kể đến, việc đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa nông thôn, chủ động quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị hóa nông thôn; xây dựng các cụm dân cư trung tâm xã thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả trên, nhìn chung, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang bám sát nội dung, định hướng theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Từ đây, không chỉ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền được tăng cường, phát huy mà còn nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của nhiều đối tượng, thành phần kinh tế trong xã hội.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CÙNG VÀO CUỘC

Đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07, Tỉnh ủy đã nhận định: Ngoài những kết quả hữu hình như bộ mặt các đô thị trên địa bàn ngày càng chỉn chu, khang trang, từng bước hiện đại thì kết quả to lớn, vô hình đằng sau đó chính là sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương, đường lối của Đảng.

Rõ nhất là từ khi Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các cấp ủy, chính quyền đã được tăng cường theo hướng đổi mới tư duy về phát triển đô thị. Các đơn vị đã xác định rõ trách nhiệm, việc cụ thể hóa Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy trong chương trình công tác hàng năm để triển khai thực hiện phù hợp với thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; Chú trọng  công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước kiện toàn, củng cố bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị. Từ đây, nhiều lĩnh vực, đầu việc liên quan đến xây dựng, phát triển đô thị đã được tham mưu, triển khai một cách kịp thời, hiệu quả.

Đơn cử như thời gian qua, thị xã Gia Nghĩa và nhiều thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng môi trường, đất đai; Phát động các cuộc vận động, phong trào gọn nhà, sạch phố; ngày chủ nhật xanh và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Từ đây, ngày càng xuất hiện nhiều tuyến phố, khu phố văn minh, sạch đẹp; nhiều khu dân cư văn hóa. Bên cạnh đó, do nguồn ngân sách được cấp còn hạn chế, vì vậy, trong những năm qua, các huyện, thị xã đã biết huy động từ nhiều nguồn để tập trung đầu tư cho phát triển như nguồn vốn từ sử dụng đất, nguồn tăng thu, đấu giá, huy động đóng góp trong nhân dân, doanh nghiệp.

Do huy động được các nguồn lực, không chỉ các trụ sở của cơ quan cấp huyện, thị xã và các xã, phường hiện đã được đầu tư xây dựng đồng bộ mà nhiều trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, các khu vui chơi, giải trí khu vực các đô thị cũng từng bước được đầu tư khang trang. Đặc biệt, từ phong trào xã hội hóa, thời gian qua, nhiều địa phương đã huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp để mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường đô thị; xây dựng các khu thương mại, mua sắm…

ĐỂ CÁC ĐÔ THỊ THỰC SỰ LÀ HẠT NHÂN TRONG PHÁT TRIỂN

Mục tiêu của Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy là từng bước xây dựng các đô thị trên địa bàn trở thành những đô thị hạt nhân khu vực cũng như từng tiểu vùng, tạo vai trò kết nối, động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-văn hóa khu vực nông thôn và vùng phụ cận.  

Với định hướng đó, nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, một số đô thị như thị trấn Kiến Đức, Đắk Mil phấn đấu trở thành thị xã. Riêng thị xã Gia Nghĩa, trong giai đoạn 2020 đến 2025, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Các đô thị còn lại cũng từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở để mở rộng, nâng cấp theo lộ trình…

Để làm được điều này, thời gian tới, các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục bám sát nội dung, định hướng đã nêu trong nghị quyết. Đặc biệt, các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch đô thị của cả nước.

Tùy vào điều kiện thực tiễn, các đô thị phải từng bước xác định rõ thế mạnh để ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng phụ trợ như hạ tầng công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, văn hóa… tạo động lực phát triển cho khu vực phụ cận. Quan trọng hơn, quá trình phát triển, các đô thị phải làm tốt vai trò kết nối, tạo tính liên hoàn, gắn phát triển đô thị với hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhóm giải pháp đề ra tại nghị quyết…

Rõ ràng, công tác xây dựng, phát triển đô thị là cả một quá trình dài hơi, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy mới triển khai giai đoạn đầu nhưng những kết quả bước đầu cho thấy Nghị quyết 07 đã và đang “bám rễ” sâu vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách nghiêm túc. Đây cũng chính là tiền đề để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình xây dựng, phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn ngày một hiện đại, đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy đang “bám rễ” vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO