Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng còn nhiều nan giải

Mỹ Hằng thực hiện| 05/10/2020 08:36

Mặc dù tỉnh đã có chủ trương nhưng đến nay, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng vẫn “giẫm chân tại chỗ” và chưa thực sự có tín hiệu khả quan. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Ông có thể nói rõ hơn về mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Đắk Nông?

Ông Phan Công Việt: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đắk Nông là địa phương có nhiều lợi thế để xây dựng, phát triển loại hình du lịch này.

Vì vậy, ngày 2/7/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1014 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với Công viên địa chất Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; trong đó có điều 5 quy định mức hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Xây dựng du lịch cộng đồng rất cần nâng cao nhận thức của đồng bào bản địa

Cuối năm 2018, UBND tỉnh chọn 9 thôn, buôn, bon thí điểm làm mô hình du lịch cộng đồng gồm bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng, Làng văn hóa dân tộc Dao, xã Ea Pô (Cư Jút); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, thôn Nam Tân, xã Nam Đà (Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong).

Đây là những thôn, bon mà đồng bào còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, ẩm thực cùng hệ thống lễ hội vô cùng độc đáo, được xem là điểm nhấn thu hút khách du lịch khi muốn trải nghiệm cùng cộng đồng.

PV: Việc triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng có gặp khó khăn gì hay không?

Ông Phan Công Việt: Ngay sau khi có Quyết định số 1014 của UBND tỉnh và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, với chức năng của mình, ngành văn hóa đã triển khai các văn bản cho các địa phương có thôn, bon, làng được chọn và đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ dân có ý thức hơn cùng chính quyền xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm được đồng bào gìn giữ, phát huy

Các thôn, buôn, bon được hướng dẫn thành lập ban quản lý, ban tự quản để có tư cách pháp nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh. Trên cơ sở nguồn lực các hộ gia đình hiện có, các địa phương hướng dẫn các thủ tục cho họ xây nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chí khi có du khách đến tham quan, tìm hiểu…

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hộ gia đình, thôn, bon, buôn nào tiếp cận được nguồn vốn này bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể, các huyện thiếu sự quan tâm hướng dẫn các xã có các thôn, buôn, bon được chọn tiếp cận các văn bản hiện hành nên người dân không hiểu hết ý nghĩa cũng như lợi ích khi tham gia xây dựng du lịch cộng đồng.

Thậm chí, lãnh đạo địa phương cũng không mặn mà nên việc triển khai rất khó. Mặt khác, lối sống tự cung tự cấp đã thấm sâu nên đồng bào ít quan tâm đến hiệu quả khi tham gia làm du lịch.

Hiện nay, ở Đắk Nông chỉ có 2 công ty du lịch lữ hành. Các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần… là những điểm có thể tổ chức du lịch cộng đồng nhưng để xây dựng, tổ chức như thế nào cho hiệu quả thì chưa thể hình dung được.

Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch rất cần sự kết nối tuor, tuyến đối với các thôn, bon này. Tuy nhiên, khi người dân tự thân bảo tồn xây dựng nhưng không thu hút được du khách không đến thì họ sẽ nản lòng…

Ẩm thực độc đáo của đồng bào bản địa

PV: Vậy để xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, ngành Văn hóa có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Phan Công Việt: Để xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng gắn liền CVĐC thì cần phải có một chiến lược dài hơi, chứ không thể làm qua loa là có được. Do đó, điều quan trọng nhất là rất cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan, cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương có thôn, bon, buôn được chọn.

Hiện tại, Sở VHTT-DL đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đánh giá lại công tác xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Quan điểm của ngành là vướng chỗ nào thì giải quyết chỗ đó. Năm 2020 này, Sở VHTT-DL đã được bố trí nguồn kinh phí và chọn được điểm xã Nam Nung (Krông Nô) để làm thí điểm mô hình du lịch cộng đồng, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ phòng văn hóa và tổ chức hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" một cách cụ thể… Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên việc triển khai buộc phải hoãn lại…

Trước mắt, ngoài tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng, ngành Văn hóa đang nỗ lực tìm đầu ra cho các sản phẩm du lịch như thổ cẩm, rượu cần... và nhất là tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động vào cuộc của ngành Văn hóa còn rất cần có sự tham gia của các ngành chức năng khác nhằm định hình, hướng dẫn mô hình du lịch cộng đồng đi đúng hướng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng còn nhiều nan giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO