Thổ cẩm - sản phẩm chủ đạo của Công viên địa chất Đắk Nông

Mỹ Hằng| 15/04/2019 10:34

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê... Hiện nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào gìn giữ, phát huy. Vì vậy, thổ cẩm được chọn là sản phẩm chủ đạo của Công viên địa chất Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Thi dệt thổ cẩm tại Hội Xuân Liêng Nung năm 2019

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 643 người biết dệt thổ cẩm và đa phần còn duy trì nghề. Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc bản địa được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon làng và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần.

Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc, nhất là trang phục về cơ bản vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nhưng có cải tiến về hoa văn trang trí theo xu hướng hiện đại. Đa số những người biết dệt từ khi còn nhỏ, được cha mẹ, ông bà truyền dạy và một số được học qua các lớp truyền dạy nghề do địa phương tổ chức.

Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, ngành văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm và đã thu hút được hàng trăm học viên tham gia. Các nghệ nhân có tay nghề cao được mời làm giảng viên đã chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ dệt thổ cẩm cho đồng bào, từ quay chỉ, móc, dệt, làm hoa văn và cách thiết kế, may các sản phẩm cách tân.

Đặc biệt, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm và trở thành sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh thành trong nước và quốc tế, vừa qua, UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I.

ADQuảng cáo

Qua hoạt động của lễ hội, tỉnh muốn tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công cụ cải tiến từ dệt thủ công truyền thống tốn nhiều thời gian, sang phương thức dệt tiên tiến hơn nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng để cung ứng cho thị trường, qua đó, góp phần vào việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm và để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa thổ cẩm tại địa phương một cách bền vững.

Thổ cẩm là sản phẩm chủ đạo của CVĐC Đắk Nông

Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra Hội thảo Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân trong cả nước. Cùng với đề cao vai trò của thổ cẩm trong đời sống văn hóa tinh thần, hội thảo đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm. Điển hình, hội thảo đã thống nhất cho rằng, hiện nay, việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu là nguồn lực tự nhiên để tỉnh phát triển du lịch mà thổ cẩm chính là “cái hồn” của nó. Vì vậy, việc xây dựng thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch của địa phương là hướng đi cần được nghiên cứu, ứng dụng một cách bài bản để đem lại hiệu quả.

Hiện tại, ngành văn hóa tỉnh cũng đang tiến hành điều tra tổng hợp danh sách các nghệ nhân lành nghề, có khả năng truyền nghề một cách thành thạo để thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Riêng thị xã Gia Nghĩa cũng đã thành lập được 1 tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Đắk Nia và quy tụ được hơn 20 thành viên nòng cốt là những nghệ nhân, những người am hiểu, tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ.

Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã giao trọng trách cho ngành văn hóa mời các chuyên gia, nhà thiết kế thời trang để trao đổi các vấn đề, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm và trình UBND tỉnh xây dựng đề án bảo tồn trong thời gian sớm nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ cẩm - sản phẩm chủ đạo của Công viên địa chất Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO