Tập trung đầu tư, nâng cấp các điểm đến thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, đáp ứng yêu cầu của UNESCO

Hoàng Thanh| 30/01/2020 10:09

Tháng 9/2019, Hội đồng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO đã thống nhất đề cử hồ sơ CVĐC Đắk Nông lên UNESCO xem xét công nhận là CVĐC toàn cầu vào tháng 4/2020.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước chấp thuận đầu tiên và trong thời gian từ đây cho đến tháng 4/2020, các chuyên gia UNESCO sẽ tiếp tục đi thẩm tra một cách độc lập để kiểm tra công tác vận hành và hoạt động các tuyến, điểm du lịch, rồi mới đưa ra quyết định chính thức. Vì vậy, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã đề ra chương trình hành động cụ thể để thực hiện.

Các em học sinh trên địa bàn TP. Gia Nghĩa tham quan Nhà triển lãm âm thanh

Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, tỉnh đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC gồm: Tuyến 1 “Trường ca của nước và lửa”; Tuyến 2 “Bản giao hưởng của làn gió mới”; Tuyến 3 “Âm vang từ Trái đất”. Hiện nay, 44 điểm đến trong vùng CVĐC Đắk Nông đã được trang bị các bảng thông tin, bảng chỉ dẫn và chỉ hướng. Dù vậy, để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO, tỉnh còn cần phải đầu tư, nâng cấp các điểm của CVĐC.

Vừa qua, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã xây dựng Chương trình hành động xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông trong năm 2020 bám sát các tiêu chí UNESCO đã đề ra. Qua đó, Ban tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ chương trình hành động phối hợp triển khai thực hiện. Trên thực tế, trong số 44 điểm đã xây dựng thuộc 3 tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để đáp ứng yêu cầu theo tiêu chí mà UNESCO đã đề ra cần đầu tư nâng cấp.

ADQuảng cáo

Chương trình hành động trong năm 2020 gồm nhiều phần việc cụ thể, riêng việc đầu tư và phát triển các điểm đến có đến 22 đầu việc. Trong đó, đáng chú ý ưu tiên nâng cấp quy mô trưng bày, bổ sung trang thiết bị, hiện vật trưng bày tại điểm số 1 – Trung tâm CVĐC; quy hoạch không gian tái hiện căn cứ địa bằng hình ảnh và thông tin về quy mô của điểm số 6 – điểm giới thiệu Di tích lịch sử căn cứ địa Nâm Nung; duy trì công tác quản lý, vệ sinh môi trường và cải thiện cảnh quan, thực hiện tuyến đường đi bộ tại điểm số 17 – cầu Sêrêpốk; tại điểm số 21 – rừng cao su sẽ nâng cấp, tạo điểm nhấn thu hút sự tham quan dừng chân của du khách…

Theo ông Tôn Ngọc Bảo, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng CVĐC Đắk Nông, trong quá trình thực hiện tỉnh nên tuân thủ theo mục tiêu của UNESCO là đi từ dưới lên, đồng nghĩa với việc xã hội hóa, thúc đẩy du lịch cộng đồng. Nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong vùng di sản hiểu được vấn đề mới thực sự là chủ thể của di sản.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Quốc Huy, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng CVĐC Đắk Nông cũng cho rằng, tỉnh cần ưu tiên thực hiện những phần việc theo tiêu chí của UNESCO. Trong quá trình thực hiện cần tuân thủ theo nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau và khó đến đâu tháo gỡ đến đó. Đối với những điểm du lịch cộng đồng cần phát huy hết sức dân, quan trọng nhất là phải tạo mọi điều kiện để người dân thay đổi tư duy, thấy được lợi ích trong việc tham gia bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản CVĐC Đắk Nông.

Với điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh như hiện nay đã và đang đặt ra cho việc phát triển CVĐC nhiều bài toán khó như: Vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí, cũng như cho việc nâng cao năng lực quản lý, đào tạo và phát triển du lịch còn hạn chế; kinh phí cho nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ lao động, chất lượng dịch vụ du lịch trên vùng CVĐC còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trước mắt cũng như trong tương lai...

Vì vậy, cùng với tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông chú trọng công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh CVĐC. Việc nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ của ban cũng như đội ngũ cán bộ ở các huyện trong vùng CVĐC cũng sẽ được chú trọng. Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông cũng tích cực phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng kế hoạch hành động chiến lược phát triển du lịch CVĐC, tập huấn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư, nâng cấp các điểm đến thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, đáp ứng yêu cầu của UNESCO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO