Loại hình du lịch canh nông rất có tiềm năng để khai thác, phát triển

Hoàng Thanh| 05/12/2019 09:22

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 6.000 ha cây ăn quả phân bố ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều trang trại nằm ngay trên cung đường dẫn đến các điểm, tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch canh nông, du lịch cộng đồng.

ADQuảng cáo

Nhiều chính sách quan tâm ưu đãi

Với mục đích đa dạng hóa các loại hình du lịch để thu hút du khách và nhằm quảng bá Công viên địa chất Đắk Nông, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6544/UBND –KGVX, ngày 25/12/2018 về việc triển khai các nội dung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, kết nối tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là tỉnh chọn 7 trang trại, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh để khởi động, phát triển loại hình du lịch canh nông.

Trang trại Gia Trung luôn chào đón du khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình chăm sóc và tự tay chọn lựa, hái quả. Ảnh: Thanh Bình

Trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06/2018/NQ –HĐND, ngày 2/8/2018 Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông. UBND tỉnh cũng có Quyết định số 1815/QĐ – UBND, ngày 4/11/2018 hướng dẫn thực hiện Quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, các trang trại, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chọn làm du lịch canh nông, ngoài việc được hưởng một số chính sách ưu đãi thì còn được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, trang thiết bị phòng lưu trú… Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ về tập huấn, xúc tiến thương mại, đăng ký xác lập quyền sở hữu, nguồn gốc hàng hóa nông sản.

Được sự quan tâm của tỉnh, đến nay nhiều trang trại cây ăn quả, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, bắt đầu thu hút được du khách. Hiệu quả nhất là Mô hình khu công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại thôn 13, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp). Trang trại do Công ty TNHH MTV SX Nông nghiệp công nghệ cao - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nguyên Thành Phát đầu tư.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát, hiện nay trang trại đã thu hút được rất đông du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là những dịp cuối tuần và lễ, tết. Khu du lịch hiện không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong địa bàn mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách theo chặng hành trình từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên. Quá trình xây dựng thực hiện dự án, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ của địa phương và những chính sách ưu đãi của tỉnh.

ADQuảng cáo

Hiện khu du lịch là một “điểm sáng” của tỉnh vì hệ thống dịch vụ đa dạng như nhà hàng, khách sạn, bãi đậu xe… Sau khi đến đây, du khách được đưa đón vào Khu du lịch Phước Sơn bằng các phương tiện của công ty, tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp, câu cá, thưởng thức các loại cây ăn trái sạch tại chỗ…

Một trang trại khác cũng thu hút được du khách, đó là Trang trại Gia Trung trồng sầu riêng ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) do ông Nguyễn Ngọc Trung làm chủ. Là người tiên phong trồng cây có múi trên đất Đắk Nông những năm qua, sầu riêng của gia đình ông đã nổi danh khắp trong và ngoài tỉnh, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, nhiều gia đình tìm đến tham quan, vui chơi và chụp ảnh trang trại gia đình ông. Ông Trung  cho hay: Tôi luôn chào đón khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình chăm sóc và tự tay chọn lựa, hái quả. Tôi xem đây là cách để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất.

Còn nhiều trang trại chưa sẵn sàng

Tuy nhiên, hiện tại nhiều trang trại, các vườn cây ăn quả được chọn làm thí điểm mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của khách tham quan do thiếu những dịch vụ đi kèm. Thậm chí, nhiều trang trại không thật “mặn mà”, chưa sẵn sàng.

Theo ông Trần Quang Đông, chủ trang trại cây ăn trái ở bon Sê Rê Ú, bản thân ông chỉ chú trọng làm trang trại, coi đó là nguồn thu chính. Để đầu tư vào du lịch trang trại phải đầu tư nhiều hạng mục và cần có nguồn nhân lực. Hơn nữa việc đón khách cũng không thường xuyên vì du khách chỉ tham quan khi đúng mùa trái cây chín, nên việc phát triển du lịch chỉ xem là thứ yếu.

Quan điểm của ông Đông cũng chính là ưu tư chung của nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại lớp tập huấn về tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động du lịch cộng đồng mới đây dành cho các chủ trang trại và lãnh đạo UBND các xã, trưởng thôn, bon trên địa bàn tỉnh, Thạc sỹ Nguyễn Đức Chí-giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh” nhận xét: Phần lớn các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh còn thiếu những kiến thức cần thiết về phát triển du lịch canh nông. Mặc dù tỉnh Đắk Nông đã tạo mọi điều kiện và ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ đầu tư vào các dự án du lịch nhưng người dân, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia hưởng ứng.

Để phát triển loại hình du lịch canh nông, Đắk Nông cần định hướng, hướng dẫn chủ vườn tạo ra những mô hình theo điều kiện, đặc điểm riêng, có thể tham khảo một số mô hình thành công ở Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, chủ vườn khi xác định làm du lịch thì cần đầu tư bài bản hơn. Ví dụ như có khu đón tiếp, nơi trưng bày hình ảnh, giới thiệu quy trình canh tác, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm trực tiếp tại vườn; có khu vệ sinh sạch sẽ; xây dựng thương hiệu sản phẩm... Nếu có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa người dân và ngành chức năng, loại hình du lịch canh nông, vườn cây ăn quả ở Đắk Nông rất có tiềm năng để khai thác, phát triển.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Chí-giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học KHXH-NV TP. Hồ Chí Minh

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại hình du lịch canh nông rất có tiềm năng để khai thác, phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO