Krông Nô chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công viên địa chất toàn cầu

Mỹ Hằng| 12/06/2018 14:21

Nhằm nâng cao trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô, thời gian qua, huyện Krông Nô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức.

ADQuảng cáo

Tuổi trẻ huyện Krông Nô rất phấn khởi khi được tiếp cận các kiến thức liên quan đến việc xây dựng CVĐC toàn cầu

Ngoài giá trị chủ đạo là di sản địa chất núi lửa, đa dạng sinh học, CVĐC núi lửa Krông Nô còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc bản địa. Riêng với huyện Krông Nô, di sản địa chất tập trung khá nhiều tại các xã Buôn Choáh, Đắk D'rô, Đắk Sôr, Quảng Phú... với hệ thống hang động dày đặc. Có thể kể đến các hang động núi lửa Chư R’lúk, Buôn Choáh, Nâm Kar, hồ Ea Snô…

Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái-văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long thuộc xã Đắk Sôr là 2 danh thắng quốc gia đang thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn... Đây là một trong những lợi thế để địa phương khai thác phát triển du lịch bền vững.

Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, xác định được tầm quan trọng đó và trên cơ sở thực hiện các văn bản chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 23 của Tỉnh ủy về việc xây dựng CVĐC núi lửa Krông Nô thành CVĐC toàn cầu, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Theo đó, cùng với việc tăng cường treo pano, áp phích trên các trục đường chính, khu đông dân cư, huyện cũng phối hợp với Ban quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất và đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

ADQuảng cáo

Tại các buổi tập huấn, ngoài những vấn đề như khái niệm CVĐC, những loại hình di sản đặc thù, lợi ích khi tham gia vào mạng lưới CVĐC toàn cầu đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, người dân còn được tiếp thu những kiến thức cơ bản về sự hình thành các loại hang động núi lửa, vỏ trái đất, ảnh hưởng của việc xâm hại tài nguyên địa chất đối với thiên nhiên, trách nhiệm của cộng đồng dân cư sinh sống và cư trú trên địa bàn CVĐC khi du khách đến nghiên cứu, tham quan.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng bon Jốc Ju, xã Nâm Nung cho biết: “Tôi rất tâm đắc khi được tham gia các buổi tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC toàn cầu do các cấp chính quyền tổ chức. Tại các buổi sinh hoạt bon, tôi đều lồng ghép những nội dung này vào để nói cho bà con hiểu, cùng chung sức với chính quyền địa phương gìn giữ, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông”.

Cùng với việc nỗ lực tuyên truyền trong nhân dân, huyện cũng đưa giáo dục di sản CVĐC núi lửa Krông Nô vào trường học, bước đầu phát huy được năng lực tiếp cận di sản của thế hệ trẻ thông qua các hoạt động thiết thực. Qua các buổi ngoại khóa, các em học sinh nắm bắt được các kiến thức cơ bản về CVĐC và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu.

Bạn H’Thương ở thị trấn Đắk Mâm nói: “Qua các thông tin đã tiếp cận tại lớp tập huấn, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc gìn giữ và chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu. Bởi vì, nếu danh hiệu CVĐC toàn cầu được công nhận thì các di sản văn hóa của người M’nông cũng được gìn giữ, bảo tồn, góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống của nhân dân”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO