Đầu tư vào Công viên địa chất núi lửa Krông Nô sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi

Mỹ Hằng thực hiện| 12/06/2018 14:21

Kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư du lịch trong Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô là một chủ trương của tỉnh nhằm khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh

PV: Đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của việc kêu gọi đầu tư vào CVĐC núi lửa Krông Nô?

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: CVĐC núi lửa Krông Nô trải dài qua 6 huyện, thị xã và là khu vực có nhiều giá trị về di sản địa chất và di sản văn hóa. Khu vực này có nhiều hang động núi lửa độc đáo, có các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 40 dân tộc anh em, có đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Có thể thấy, Đắk Nông hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa chất, đa dạng sinh học và văn hóa xã hội để xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu.

Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản địa chất và hoạt động đầu tư các dự án du lịch trong khu vực chưa được thực hiện một cách đồng bộ, do các điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc lập hồ sơ, trình công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho khu vực là “đòn bẩy” để kêu gọi thu hút đầu tư, khôi phục, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản là yêu cầu cần thiết, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.

PV: Hiện nay, việc kêu gọi đầu tư vào các hoạt động du lịch nói chung và CVĐC núi lửa Krông Nô nói riêng diễn ra như thế nào và tỉnh có gặp khó khăn gì?

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Trên địa bàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch đã có chủ trương. Trong đó, CVĐC núi lửa Krông Nô có 5 dự án du lịch gồm: Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long (Krông Nô); Điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ (Chư Jút); Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (Đắk Song); Tu viện Liễu Quán (Đắk Glong); Khu du lịch Thiền Hiểu về trái tim tại Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung.

Thời gian qua, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với những địa điểm trên để thu hút đầu tư. Cụ thể như công trình hạ tầng đường, điện, nước vào Khu du lịch sinh thái văn hóa Đray Sáp - Gia Long, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch dọc sông Sêrêppốk... Các khu du lịch này hàng năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến Đắk Nông tham quan, du lịch.

Tuy nhiên, việc đầu tư khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù tỉnh đã hết sức tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đa số các doanh nghiệp còn khó khăn về tài chính nên hoạt động cầm chừng, chậm triển khai, nên có một số dự án du lịch đã bị thu hồi.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc chưa có kết quả nghiên cứu về vùng CVĐC và khu vực này chưa được quy hoạch là một khó khăn lớn của tỉnh trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Mặt khác, điều kiện hạ tầng, mặt bằng phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực CVĐC còn thấp cũng ảnh hưởng đến việc thu hút, kêu gọi đầu tư.

PV: Khi tham gia đầu tư vào khai thác du lịch thuộc CVĐC núi lửa Krông Nô thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có những quyền lợi gì?

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Khi tham gia đầu tư vào vùng CVĐC, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp khi đến đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 55 ngày 22/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành Quy định về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh đến năm 2020.

Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 55, trong đó có thêm chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng CVĐC.

PV: Để kêu gọi các nhà đầu tư đủ khả năng vào đầu tư, khai thác du lịch CVĐC núi lửa Krông Nô, về phía tỉnh có những chủ trương, định hướng như thế nào?

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Hiện nay, CVĐC núi lửa Krông Nô đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO, tỉnh ưu tiên các nguồn vốn của Trung ương và địa phương nhằm khôi phục các giá trị văn hóa, kinh tế, du lịch, hạ tầng của vùng CVĐC. Trong đó, tỉnh tập trung khảo sát và khoanh vùng các điểm di sản để lập hồ sơ, quản lý và bảo vệ cũng như kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án kinh tế - xã hội của vùng CVĐC.

Đồng thời, tỉnh cũng đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để bổ sung CVĐC núi lửa Krông Nô vào danh mục có tiềm năng xây dựng để trở thành khu du lịch cấp quốc gia. Sau khi hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” và quy hoạch CVĐC núi lửa Krông Nô thành khu du lịch cấp quốc gia được phê duyệt thì việc kêu gọi đầu tư vào CVĐC sẽ đồng bộ và tập trung hơn.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu cụ thể và ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành của Trung ương, UNESCO về xây dựng CVĐC, tỉnh Đắk Nông sẽ có chủ trương, định hướng cụ thể về chiến lược phát triển, khai thác CVĐC; trong đó có định hướng về đầu tư, khai thác du lịch. Trước mắt, tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu đối với CVĐC núi lửa Krông Nô. Tỉnh cũng đôn đốc các chủ dự án đã có chủ trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư các tour, tuyến du lịch để khai thác, phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế và đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư vào Công viên địa chất núi lửa Krông Nô sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO