Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đang cần được kiện toàn để hoạt động hiệu quả hơn

Hoàng Thanh| 09/04/2020 08:29

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông, dự kiến vào tháng 4 này, UNESCO sẽ tiến hành xem xét, công bố CVĐC Đắk Nông là CVĐC toàn cầu. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới nên phải tạm hoãn cho đến khi dịch bệnh chấm dứt.

ADQuảng cáo

Hiện nay, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đang đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập lại ban quản lý vì thời gian điều động cán bộ kiêm nghiệm cũng đã hết để giúp cho công việc được liên tục, hiệu quả.

Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông và các chuyên gia UNESCO khảo sát địa chất trong vùng CVĐC Đắk Nông

Từ khi thành lập CVĐC Đắk Nông vào năm 2015 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động, các bước đi cần thiết để đáp ứng các tiêu chí mà UNESCO đặt ra. Đáng chú ý, tỉnh kịp thời thành lập Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông để triển khai các nội dung, công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo hướng dẫn trong Sổ tay vận hành và quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO thì “Một CVĐC toàn cầu cần phải được quản lý bởi một đơn vị có tư cách pháp nhân rõ ràng, được pháp luật công nhận và sự quan tâm của chính quyền địa phương; có đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc; có nguồn tài chính ổn định; có sự tham gia công tác quản lý CVĐC của cấp chính quyền cao nhất ở địa phương”.

Do vậy, việc xây dựng một Ban Quản lý CVĐC có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐC toàn cầu là hết sức cần thiết.
Đối với tỉnh Đắk Nông, Ban Quản lý CVĐC được thành lập do Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Ban Quản lý, số nhân sự còn lại được điều động từ một số sở, ngành với hình thức kiêm nhiệm, biệt phái. Hiện nay, thời gian điều động của tất cả các thành viên cũng đã hết, nên việc thành lập Ban Quản lý với hình thức phù hợp nhất để tăng hiệu quả công việc là điều cần thiết.

ADQuảng cáo

Hiện nay, công tác quản lý, vận hành CVĐC tại mỗi địa phương của Việt Nam cũng chưa có sự thống nhất và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu như ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi. Ban Quản lý CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) ban đầu là một đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, nhưng sau một thời gian hoạt động lại được sáp nhập với Trung tâm xúc tiến du lịch, sau đó lại được tách ra thành một đơn vị độc lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và do 1 phó giám đốc sở làm trưởng ban. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng được thành lập từ năm 2015 và hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Đến năm 2019, tỉnh Cao Bằng cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng hoạt động theo hình thức chuyên trách và trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng.

Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, khó khăn chủ yếu các đơn vị gặp phải là thiếu hành lang pháp lý cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ sở vật chất trang thiết bị hoạt động, nguồn thu, chi cho hoạt động, thiếu cơ quan chủ quản Trung ương… Vì vậy, nhiều địa phương khá lúng túng trong xây dựng mô hình quản lý, vận hành và tạo nguồn thu; có địa phương còn thay đổi mô hình bộ máy vài lần như Ban Quản lý CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn…

Bên cạnh đó, vấn đề về nhân lực, hầu hết hiện nay tại ban quản lý CVĐC các tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, do vẫn còn hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ… Điều này đã gây ra một số hạn chế trong việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển CVĐC để phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Theo Phòng Tổ chức, biên chế và công chức, viên chức (Sở Nội vụ), trước kiến nghị của Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, Sở Nội vụ đang nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh. Căn cứ theo quy định, tới đây sở đề xuất UBND tỉnh thành lập ban quản lý dưới hình thức một văn phòng điều phối trực thuộc UBND tỉnh.

Cùng với bộ máy, đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng sẽ được kiện toàn với tính chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu. Dưới hình thức này công việc điều hành sẽ có tính độc lập, có tính chuyên môn cao hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hiện nay mô hình quản lý các khu di sản, khu dự trữ sinh quyển và CVĐC của Việt Nam (bộ máy, con người, tài chính, hoạt động…) và cơ sở pháp lý của các mô hình còn khá mới mẻ và chưa có một cơ chế thống nhất về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của đơn vị quản lý những danh hiệu này. Qua thực tế cho thấy, mô hình quản lý các CVĐC Việt Nam thực chất còn rất mới mẻ, không thống nhất và thiếu hành lang pháp lý cùng với sự quan tâm đúng mực ở địa phương và thiếu cơ quan chủ quản cấp bộ... Hiện tại, Nghị định 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của ban quản lý các di sản thế giới lại không quy định gì về danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO hoặc Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới, mặc dù cùng là các chương trình/danh hiệu chính thức của UNESCO.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đang cần được kiện toàn để hoạt động hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO