Âm vang chiêng buôn Nui

Gia Bình| 01/09/2020 15:41

Tại buổi Lễ trực tuyến xướng danh danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông mới đây, các nghệ nhân Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã vinh dự được mời tham gia biểu diễn chiêng, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của vùng CVĐC.

ADQuảng cáo

Chỉ với bộ chiêng tre và thời gian biểu diễn chỉ gói gọn trong 2 phút nhưng các nghệ nhân đã giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê đê vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hòa chung với tiếng chiêng tre là nhịp múa xoang uyển chuyển, nhẹ nhàng.

Đội cồng chiêng buôn Nui tham gia biểu diễn tại Lễ xướng danh danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Qua tìm hiểu được biết, các nghệ nhân đều thuộc Đội cồng chiêng buôn Nui, được thành lập từ năm 2009, đến nay đã quy tụ được gần 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi.

Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng với các nghệ nhân trong buôn lại cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng, hát aray, múa xoang… Một số bài chiêng tưởng chừng như bị thất truyền như Đánh báo lễ hội, Chiririam con sóc bay, gió thổi thác chảy… được gìn giữ, phát huy.

Hát Aray được đồng bào Ê đê ở buôn Nui gìn giữ

Điều đáng nói, ngoài những người lớn tuổi, đội cồng chiêng buôn Nui còn thu hút nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê văn hóa truyền thống tham gia sinh hoạt. Trên cơ sở đó, hiện tại, buôn Nui đã thành lập được 2 đội chiêng chính (đội cồng chiêng già và đội cồng chiêng trẻ) với một đội múa nữ phụ họa.

ADQuảng cáo

Đối với các thành viên, đội cồng chiêng thực sự là mái nhà chung cho những người đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì khi đến đây, các thành viên có thể trao đổi kinh nghiệm đánh cồng chiêng, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, bổ sung vào kiến thức của mình.

Đội cồng chiêng buôn Nui thu hút sự tham gia của lớp trẻ

Ngoài việc tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, Đội cồng chiêng buôn Nui còn tích cực tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các thành viên.

Nghệ nhân Y Sim cho biết: “Tham gia vào đội cồng chiêng, tôi và các thành viên cảm thấy rất vui, vì có thể thỏa sức thể hiện những bài chiêng truyền thống, hát làn điệu aray, kể khan… của dân tộc mình. Với tôi, đội cồng chiêng như là nơi “truyền lửa” tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ của buôn làng”.

Tham gia sinh hoạt, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm đánh cồng chiêng và cách gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Em Y Thoa cũng cho hay: “Em rất thích đánh cồng chiêng nên đã theo nghệ nhân Y Sim học đánh chiêng. Lúc mới luyện tập thì hơi khó và đau tay do chưa quen, nhưng nhờ sự hướng dẫn của nghệ nhân Y Sim cùng các bác trong đội chiêng, nên giờ em đã đánh được một số bài chiêng cơ bản của dân tộc mình. Được nghe tiếng chiêng và đánh chiêng em rất thích”.

Có thể thấy, việc duy trì và sinh hoạt thường xuyên của  đội cồng chiêng buôn Nui trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là góp thêm một sản phẩm nghệ thuật độc đáo cho vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm vang chiêng buôn Nui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO