Quảng Ninh - điểm sáng OCOP

Trần Lê thực hiện| 17/11/2020 08:59

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện chương trình OCOP của Việt Nam. Đến nay, Quảng Ninh đã có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, đạt chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Sớm triển khai chương trình

Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình OCOP. Cuối năm 2016, tỉnh tiến hành sơ kết đánh giá hiệu quả của Đề án OCOP giai đoạn I (2013-2016) và tiếp tục phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn II (2017-2020) với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nâng tầm phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình, với các nhóm giải pháp quan trọng được thực hiện như: Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về chương trình; thành lập hệ thống tổ chức và hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách có kỹ năng nghiệp vụ về chuyên môn ở cấp tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh nhanh chóng ban hành bộ công cụ quản lý; xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách OCOP đi vào đời sống.

Quảng Ninh đã huy động trên 500 tỷ đồng để phát triển sản xuất thuộc OCOP, trong đó ngân sách tỉnh chiếm 15,8%, số còn lại là huy động các nguồn lực xã hội. Phát triển 130 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP (35 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã và 46 hộ sản xuất).

Những con số ấn tượng

Năm 2018, Quảng Ninh có 322 sản phẩm OCOP, trong đó có 138 sản phẩm đạt từ 3-5 sao (75 sản phẩm đạt 3 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 5 sao). Trên 90% sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.

ADQuảng cáo

Tổng doanh số bán sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất của Quảng Ninh vào năm 2018 đạt 311 tỷ đồng. Chương trình OCOP đã tạo trên 2.600 việc làm, tăng thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 38,5 triệu đồng/người (năm 2018).

Các sản phẩm tiêu biểu của OCOP Quảng Ninh như: trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch vùng sản xuất trà hoa vàng với diện tích 500 ha); gà Tiên Yên... Riêng gà Tiên Yên đã từng bước được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và được đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc khi xuất bán.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Đặc biệt là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân, trọng tâm vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia và các tổ chức kinh tế là rất quan trọng.

Quảng Ninh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm như coi OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Do đó, cần nhận thức, ứng xử với nó đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tỉnh thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.  

Hoạt động quản lý Chương trình cũng được thực hiện khoa học, theo hệ thống, từng khâu, từng bước. Đặc biệt, tỉnh tập trung chỉ đạo tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên để tạo động lực, sự hứng khởi cho cả quá trình...

Với những gì đạt được trong Chương trình OCOP, Quảng Ninh được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương đánh giá cao, coi đây là điểm sáng để các tỉnh, thành phố trong cả nước học tập, áp dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh - điểm sáng OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO