Ấn tượng OCOP

Hồng Thoan| 01/01/2021 09:15

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Chương trình đã mang lại những thành công bước đầu, với nhiều sản phẩm OCOP ra đời...

ADQuảng cáo

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng

Chương trình OCOP tỉnh Đắk Nông được triển khai từ tháng 5/2019. Chương trình được triển khai từ nhiều cấp, ngành, đoàn thể. Nhờ đó, Chương trình nhận được sự tham gia từ nhiều hộ dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã...

Sản phẩm Cà phê bột Star đạt OCOP đang chờ cơ hội trên thị trường

Cộng đồng xã hội đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của Chương trình OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, có tổng cộng 36 sản phẩm đặc sắc của người dân, doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ngành chức năng đánh giá, việc cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng, tham gia OCOP được coi là thành công bước đầu của tỉnh. Điều này đã tạo động lực cho việc triển khai các hoạt động tiếp theo của Chương trình trong giai đoạn mới 2021-2025.

Sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp cũng giúp tỉnh huy động tốt các nguồn lực về trình độ nhân lực, vốn, khoa học kỹ thuật, hạ tầng… phục vụ Chương trình OCOP. Chương trình cũng vì thế mà tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

ADQuảng cáo

Người dân, doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình OCOP. Trong đó, hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm là một trong những kỳ vọng lớn.

Về điều này, anh Nguyễn Hữu Tuấn, hộ kinh doanh Cà phê Star, thị trấn Đức An (Đắk Song) cho biết: Dù đã có mặt trên thị trường thời gian qua, nhưng sản phẩm của anh vẫn gặp một số khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, vấn đề tìm kiếm và bảo đảm ổn định thị trường càng khó khăn hơn. Khi sản phẩm Cà phê Star được chứng nhận OCOP, anh hy vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Không chỉ các hộ cá thể, các doanh nghiệp, HTX cũng mong muốn sản phẩm được xếp hạng OCOP để thuận lợi hơn trong tìm kiếm thị trường. Theo Bà Trần Thị Thanh Vân, quản lý HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (Krông Nô), những năm gần đây, sản phẩm gạo của đơn vị cung không đủ cầu.

Thế nhưng HTX vẫn muốn sản phẩm của mình đáp ứng được các yêu cầu OCOP để tiếp tục khẳng định tên tuổi. Sản phẩm đạt OCOP sẽ làm tiền đề cho HTX hướng ra các thị trường khó tính trên thế giới.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, giai đoạn 2021-2025, bộ máy Chương trình OCOP sẽ tập trung thực hiện song song hai nhiệm vụ. Đó là vừa tổ chức đăng ký, đánh giá, xếp loại sản phẩm, vừa xúc tiến các hoạt động để tìm kiếm thị trường, kênh tiêu thụ bền vững cho sản phẩm.

Các kênh tiêu thụ sản phẩm được hình thành theo chuỗi OCOP quốc gia, kết nối các tỉnh, thành phố. Từ đó, làm động lực để sản phẩm của tỉnh có thể vươn ra thị trường trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP để đạt được các yêu cầu phục vụ xuất khẩu là không dễ dàng. Do đó, tỉnh sẽ chọn một số sản phẩm có tiềm năng cao nhất để xúc tiến các hoạt động thương mại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO