Xem xét việc mở rộng trường hợp tinh giản biên chế

Phan Đinh| 25/05/2017 08:55

Theo Sở Nội vụ, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế cho thấy, qua kiểm tra, khảo sát thực tế có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức muốn được nghỉ hưu sớm.

Những trường hợp này đa số đã có nhiều năm công tác và đều hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, chưa đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe bảo đảm, nhưng muốn được nghỉ hưu sớm nhằm tạo việc làm cho những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, họ lại rất ngại khi tinh giản biên chế “bị” đánh giá theo trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sức khỏe không bảo đảm để tiếp tục đảm nhiệm công tác. Trước thực tế này, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng tinh giản biên chế.

Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, số lượng người muốn nghỉ hưu sớm khá nhiều, nhất là giáo viên mầm non ở ngành Giáo dục, nhưng hiện chưa có con số thổng kê cụ thể. Vấn đề là họ đã đạt chuẩn rồi nên áp dụng theo các quy định thì không giải quyết được và thực tế này cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Qua lấy ý kiến đóng góp, theo dự thảo Bộ Nội vụ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ thì dự kiến có 2 hướng giải quyết về mở rộng đối tượng tinh giản biên chế và trình tự thực hiện tinh giản biên chế.

Về mở rộng đối tượng tinh giản biên chế: Thứ nhất, mở rộng đối tượng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn hoặc phải chuyển sang vị trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Thứ 2, cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhận, nên bị hạn chế năng lực hoàn thành công việc được giao, có thể bố trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Thứ 3, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 3 năm và cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Thứ 4, mở rộng thêm tinh giản biên chế đối với những trường hợp người hoạt động không chuyên trách đã có số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi đủ điều kiện được áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ.

Về trình tự thủ tục tinh giản biên chế thì sẽ linh động theo hướng giao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. Hàng năm, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, chịu trách nhiệm phê duyệt danh sách, đối tượng tinh giản biên chế và tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách hàng năm để thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho trường hợp tinh giản biên chế. Sau đó, mỗi năm 2 lần các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Nội vụ để kiểm tra việc thực hiện tinh giản biên chế và gửi Bộ Tài chính để quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét việc mở rộng trường hợp tinh giản biên chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO