Xây dựng nông dân là trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trần Lê| 27/09/2018 09:23

Sau gần 11 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

ADQuảng cáo

Phong trào đã tạo được sức lan tỏa trong phạm vi toàn tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn kỹ thuật ghép cây cà phê cho bà con nông dân xã Đắk Ru (Đắk R'lấp). Ảnh: Lê Phước

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 26, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01, ngày 17/3/2009, trong đó đưa ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể theo từng giai đoạn cùng với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phân công cho từng cấp hội. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó vấn đề về thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất được các cấp hội coi trọng.

Cùng với đó, thông qua các hình thức khác nhau, hội hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, có sơ kết, đánh giá để học tập, nhân rộng. Việc đăng ký chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh giỏi và công nhận danh hiệu được gắn với công tác thi đua, khen thưởng nên góp phần cổ vũ, động viên nông dân các địa phương nỗ lực xóa nghèo, làm giàu bền vững.

ADQuảng cáo

Để đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, việc đáp ứng nhu cầu về vốn vay, hỗ trợ lãi suất có ý nghĩa quan trọng, được các cấp hội quan tâm. Trong đó, hai nguồn vốn chủ yếu là từ Quỹ hỗ trợ nông dân và vay từ ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 33 tỷ đồng. Từ số vốn này, Hội đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều lượt hộ, tổ, nhóm mở rộng sản xuất, kinh  doanh, dịch vụ để gia tăng thu nhập. Nguồn vốn vay ủy thác qua Hội của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên nông dân toàn tỉnh cũng đã đạt mức dư nợ trên 600 tỷ đồng với hơn 18.400 lượt hộ vay.

Để quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn, các cấp hội luôn xác định đây là một nhiệm vụ chính trị cần tập trung nguồn lực để thực hiện tốt. Theo đó, các quy trình xét đúng đối tượng, giải ngân nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn... đều được các cấp hội trên địa bàn triển khai rất chặt chẽ. Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay ủy thác qua Hội Nông dân đã, đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 21.692 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng hơn 4.200 hộ so với năm 2008. Bình quân mỗi năm, số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi tăng 5%, đạt 100% so với kế hoạch.  Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 115.000 lượt lao động, hơn 2.500 lao động có việc làm theo mùa vụ.

Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho hội viên áp dụng phát triển kinh tế. Nhiều nông dân đã trở thành “hạt nhân” lan tỏa các cách thức làm ăn hiệu quả, giúp đỡ, tư vấn về vốn, kỹ thuật cho hội viên, nông dân khác. Vấn đề giúp hội viên tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng được Hội chú trọng  với việc cử đoàn tham gia vào các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, phát huy những kết quả đã có, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập cho người dân. Hội đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân có thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động để làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Vấn đề nâng cao hiệu quả giải quyết, phối hợp giải quyết những hạn chế, khó khăn lớn cho nông dân như về vốn, kỹ thuật, tiếp cận thị trường cũng được Hội coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, các cấp hội hướng đến mục tiêu xây dựng người nông dân trở thành trung tâm, nòng cốt cho phong trào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông dân là trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO