Vỡ òa niềm vui chiến thắng !

(Ông Nguyễn Đức Mùi| 28/04/2015 17:34

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng đối với những cựu chiến binh đang sinh sống trên địa bàn tỉnh-những người lính đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn thì thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, khi cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, không bao giờ phai.

Thời khắc lịch sử đó của dân tộc thiêng liêng lắm!

Ông Nguyễn Đức Mùi

Năm 1973, tôi nhập ngũ và đến năm 1974 thì vào Nam chiến đấu. Bắt đầu vào chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Sài Gòn có nhiệm vụ chốt chặn quốc lộ 4 ngăn không cho quân địch từ Sài Gòn ra và từ miền Tây bổ sung lên.

Sau đó, đơn vị lại tham gia đánh địch ở chốt Kênh Tài, huyện Thủ Thừa (Long An) và đánh hải quân ngụy ở sông Vàm Cỏ. 10 giờ 30 phút ngày 30/4, đơn vị tôi đánh quyết liệt ở đầu cầu Long An. Trong trận này ta tổn thất khá nhiều và mãi đến khi xe tăng của Sư đoàn 223 từ hướng Cần Đước lên thì địch mới hoang mang bỏ chạy.

Đến 11 giờ 30 phút, đơn vị tôi mới tiến quân vào đến cửa ngõ Sài Gòn cũng là lúc đài đã báo tin Sài Gòn đã được giải phóng. Khi đó, anh em chúng tôi mừng lắm, tay chân như quýnh lại. Thời khắc lịch sử đó của dân tộc thiêng liêng lắm, ai cũng vỡ òa niềm vui chiến thắng!

Dù đã 40 năm trôi qua, song hàng năm, mỗi lần đến dịp này, tôi lại không kìm được nước mắt. Bao năm qua, tôi vẫn luôn cảm thấy mình thật may mắn khi còn sống để trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới và không bao giờ nguôi ngoai trước sự hy sinh của đồng đội mà đến bây giờ có những người chưa tìm thấy mộ, rõ tên. Ngày ấy, chiến đấu gian khổ, ác liệt là thế, song không thể ngăn được bước chân, ý chí, lòng quả cảm của người bộ đội đối với nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Bồi hồi, sung sướng khi Sài Gòn được giải phóng

Ông Tống Văn Thư

Trước tháng 3/1975, đơn vị tôi nhận lệnh tham gia đánh giặc trên các chiến trường như Đường 9-Nam Lào, Gia Lai, Kon Tum. Khi Tây Nguyên và một phần miền Trung toàn thắng, đơn vị chúng tôi lại hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 28/4/1975, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh Cầu Bông, Cầu Sáng ở tỉnh lộ 1 hướng Củ Chi, sau đó tiến đánh Hóc Môn, Trường huấn luyện Quang Trung và cùng với sư đoàn siết chặt vòng vây căn cứ Đồng Dù tại Củ Chi. Trận đánh vào Đồng Dù ác liệt lắm.

Từ sáng sớm cho đến trưa ngày 29/4, đơn vị tôi kết hợp với đặc công 198 và xe tăng đánh mạnh vào căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy và đã làm chủ hoàn toàn căn cứ này. Chiến thắng Đồng Dù, chúng tôi lại được giao nhiệm vụ cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Vào lúc 9 giờ ngày 30/4, đơn vị tôi cùng với các cánh quân khác tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất, sau 3 giờ chiến đấu thì chiếm được cổng sau, các ổ kháng cự của địch ở đây. Đến 11 giờ, đơn vị tiến quân vào Sài Gòn, chiếm Nha Cảnh sát, Đại sứ quán Mỹ… Và 30 phút sau, Quân đoàn 2 đã cắm cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập.

Lúc này, tôi cũng như bao người lính khác cảm thấy bâng khuâng, bồi hồi và sung sướng lắm. Người dân và sinh viên, học sinh Sài Gòn rải ra các tuyến đường hô to: Sài Gòn đã được giải phóng và các cánh quân khác cũng đồng loạt tiến về Sài Gòn.

Đường phố Sài Gòn ngập tràn cờ hoa mừng chiến thắng

Ông Nguyễn Quang Mão

Năm 1970, tôi tham gia huấn luyện ở Hà Tây, sau đó được biên chế đi vào chiến trường B2 thuộc Sư đoàn 25. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được điều về đoàn 232, trực tiếp chiến đấu ở Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) cách Sài Gòn 120 km.

Sau khi nhận được lệnh tiến vào tiếp quản Sài Gòn, tối 28/4, đơn vị bắt đầu hành quân và đến tối 29/4 thì tập kết tại Vườn Trầu, Hóc Môn (Gia Định). Khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, đơn vị cấp tốc hành quân vào làm nhiệm vụ tiếp quản Tổng kho công binh quân ngụy Sài Gòn.

Thời khắc 30/4, anh em chúng tôi phấn khởi, hào hứng, sôi nổi lắm, các con đường Sài Gòn ngập tràn cờ hoa. Ngã tư Trần Quốc Toản rẽ ra đại lộ Hồng Bàng đông đến nỗi đi một đoạn chúng tôi phải dừng lại khoảng 20 phút mới có thể đi tiếp được. Sài Gòn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, đó là điều mà tất cả những người lính khi vào chiến trường ai cũng mong chờ nay đã thành sự thật, nên ai cũng hả hê, sung sướng đến trào nước mắt.

Ngày đó, tôi chỉ mới 23 tuổi thôi, nhưng cũng như bao chiến sĩ trẻ lúc đó luôn hừng hực khí thế tiến công “ở đâu có địch là ta cứ đi”. Tiếng gọi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn thúc giục bước chân mỗi chiến sĩ. 40 năm đã trôi qua,  nhưng hàng ngày, tôi vẫn theo dõi các tin tức về Sài Gòn và cảm nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ.

Luôn ghi nhớ những mốc son lịch sử chói lọi để kể cho thế hệ trẻ

Ông Trần Văn Hưng

Tháng 3/1975, đơn vị tôi được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc hành quân này được coi là “có một không hai” trong lịch sử quân đội ta từ Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn chỉ trong 12 ngày đêm đã vượt chặng đường dài hơn 1.700 km, kịp thời vào trực tiếp tham gia chiến đấu theo hướng Tây Bắc của Sài Gòn.

Thời điểm ác liệt nhất có thể kể đến là đêm 29 và ngày 30/4. Lúc đó, bộ đội ta vào trận với khí thế ào ào như thác đổ khiến địch hết sức hoang mang lo sợ... Ngày 30/4/1975, đơn vị tôi tiến đánh Bộ Tổng tham mưu của quân đội ngụy Sài Gòn và giành thắng lợi. Tôi còn nhớ rất rõ thời khắc ngày 30/4, Sài Gòn giải phóng, nhân dân đổ ra ngập đường phố, cờ hoa rực rỡ khắp mọi nẻo đường. Chiều 30/4, đơn vị tôi có mặt tại Dinh Độc Lập, sau đó lại rút ra Biên Hòa để tham gia lễ mừng chiến thắng ngày 5/5/1975.

Trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh chúng tôi hôm nay vẫn không thể nào quên được những năm tháng gian khổ, hy sinh, mất mát, nhưng luôn hun đúc trong lòng niềm tự hào về dân tộc anh hùng.

40 năm trôi qua, cũng là chừng ấy thời gian, chúng tôi luôn ghi nhớ những mốc son lịch sử chói lọi, những trận đánh từng tham gia để kể lại cho con cháu, thế hệ trẻ sau này. Chúng tôi hy vọng rằng, những câu chuyện sống và chiến đấu của thế hệ đi trước luôn được thế hệ trẻ ghi nhớ để cố gắng vươn lên, đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỡ òa niềm vui chiến thắng !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO