Vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam

Cẩm Trang| 22/04/2020 08:46

Với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang và tiếp tục được vận dụng, bổ sung và phát triển trong thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, đó là một học thuyết mở, có giá trị vững bền.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kì, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của Lênin để xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới đất nước (1986), đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng. (Ảnh: Một góc thủ đô Hà Nội hôm nay)

Thực tiễn cách mạng đã chứng minh, cách mạng Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết thành công những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trước hết, đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, nhưng trong nhiều điều kiện cụ thể, Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành chủ động và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Thứ hai là sự sáng tạo lý luận về sự ra đời của một Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu như quy luật chung của sự ra đời của chính đảng vô sản đó là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân thì ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao phong trào yêu nước Việt Nam, coi đó là một nhân tố quan trọng cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân để lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến, có truyền thống yêu nước nhưng số lượng công nhân còn ít và yếu.

Thứ ba là sự vận dụng sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin để đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng xác định: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản”. Tức là, đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc, đánh đổ phong kiến tay sai, đem lại ruộng đất cho dân cày, nhưng ngay sau đó là đi lên chủ nghĩa xã hội, tức bước vào giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đường lối đó đã phản ánh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là: Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, sự vận dụng sáng tạo quan điểm về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân của chủ nghĩa Mác - Lênin.  Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”. Từ đó, Người kêu gọi toàn dân kháng chiến bởi Tổ quốc là Tổ quốc chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do, nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Thực tế qua 90 năm thành lập, kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết toàn dân đấu tranh, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Có thể khẳng định, trải qua những thăng trầm của lịch sử, cách mạng Việt Nam đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP) để xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới đất nước (1986) trên cơ sở những nhận thức mới về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đây là khâu đột phá trong đường lối đổi mới toàn diện, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời kỳ mới. Để từ đó, đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với tám đặc trưng, trong đó đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng đầu tiên vừa là mục đích của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, để đất nước phát triển bền vững, Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Thế phát triển với ba trụ cột: Kinh tế, xây dựng Đảng và văn hóa là quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản mà Đảng tiếp tục kiên định vận dụng và phát triển trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO