Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một Pháp lệnh và hai dự án Luật

Nguồn SGGP| 23/12/2014 08:08

Ngày 22/12, phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân; dự án Luật Kiểm toán (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Nhà báo đến dự tòa không cần thêm giấy giới thiệu

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc ban hành Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là rất cần thiết; nếu không sẽ dẫn đến những khoảng trống về mặt luật pháp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, lại có ý kiến khác. Chỉ ra nhiều điểm không thống nhất với Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản luật hiện hành trong dự thảo pháp lệnh, ông Phan Trung Lý thẳng thắn: “Pháp lệnh này ban hành cách đây 3 năm thì hợp lý, nhưng bây giờ tôi cho rằng nên để lại”... Đáng lưu ý, hoạt động của nhà báo khi đến đưa tin về phiên tòa là một nội dung được nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: “Tòa án xét xử công khai, nhà báo và dân chúng được vào. Nhưng do điều kiện vật chất chỉ bố trí số lượng nhất định trong phiên tòa thì phải thu xếp. Tòa có thể chủ động mời, số lượng còn lại có thể theo dõi trên màn hình. Phóng viên có thẻ nhà báo thì được tham dự chứ quy định thêm giấy giới thiệu để làm gì? Những vấn đề này cần thảo luận thêm để làm rõ những quy định trên chứ không thông qua tại phiên họp này”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý, một số hành vi quy định trong dự thảo pháp lệnh (như tạo chứng cứ giả, làm giả giấy tờ…) phải được coi là vi phạm pháp luật về hình sự chứ không thể “xử phạt vi phạm hành chính” theo pháp lệnh này… Tổng kết phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp và điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung đã được UBTVQH góp ý để tiếp tục xem xét; chưa thông qua ngay tại phiên họp này.

Cấp xã, huyện có được ban hành văn bản pháp luật?

Về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, còn có những ý kiến khác nhau về thẩm quyền, hình thức ban hành văn bản của cấp huyện, cấp xã. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật và cho rằng cần cụ thể hóa trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong luật này. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật và cho rằng trên thực tế nhiều địa phương không ban hành văn bản pháp luật, hoặc nếu ban hành thì thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn tự chủ của mình, việc giao cho cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là cần thiết, nhưng phải quy định chặt chẽ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cần giao cho cấp huyện, xã thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, nhưng chỉ là trong một số ít trường hợp (ví dụ tự quản mẫu giáo, vệ sinh môi trường...), còn lại phải tuân thủ pháp luật trung ương, tránh tình trạng “phép vua thua lệ làng”.

Luật hóa mô hình Ban công tác mặt trận

Cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ quan điểm đồng tình việc quy định trong luật về Ban Công tác mặt trận. Bởi hiện nay Ban Công tác mặt trận đã được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương. Đây là tổ chức đang triển khai nhiều hoạt động của MTTQ ở cơ sở. Do đó, việc luật hóa mô hình này sẽ tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của MTTQ trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở.

Đáng lưu ý, về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ tán thành quan điểm dự thảo luật không quy định vấn đề này, vì như vậy là không phù hợp với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo MTTQ Việt Nam” được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật. Mặt khác, vấn đề này đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một Pháp lệnh và hai dự án Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO