UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật sửa đổi

Nguồn VOV| 16/04/2014 08:51

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 15/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.

Theo các đại biểu, cần nâng cao vai trò, vị trí để Đoàn đại biểu Quốc hội có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương. Có ý kiến đề nghị tăng thêm thẩm quyền đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Một điểm mới của dự thảo Luật là “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, công dân chỉ có thể dự khán, quan sát, theo dõi phiên họp của Quốc hội chứ không tham dự nhằm đảm bảo các phiên họp diễn ra trật tự, chất lượng.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Điều 72), có ý kiến đề nghị để chuyên môn hóa hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy bản của Quốc hội thì số lượng thành viên không cần quá đông, nhưng tất cả hoặc phần lớn phải là đại biểu hoạt động chuyên trách (mỗi Ủy ban sẽ có khoảng từ 30 -50 % tổng số thành viên – phù hợp với dự kiến tăng cường đại biểu chuyên trách cho nhiệm kỳ tới).

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Kso Phước cho rằng: Cần xem lại cơ cấu, thiết chế của Hội đồng dân tộc để cơ quan này đại diện cho tiếng nói của tất cả các dân tộc, tăng số đại biểu là người dân tộc tham dự các Hội đồng nhân dân.

Một nội dung khác được các đại biểu góp ý là số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, ý kiến khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách ít nhất 45% hoặc 50%. Tuy nhiên, để hài hòa giữa chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách và yêu cầu bảo đảm chất lượng cũng như khả năng tổ chức, bố trí nhân sự, Ban soạn thảo xin giữ nguyên quy định “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội” như tại Điều 110 của Dự thảo.

Về nội dung “Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội", có ý kiến đề nghị quy định cụ thể Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị thay các chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bằng chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ủy viên thư ký Quốc hội. Việc lập chức danh này thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.

* Chiều 15/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.

Góp ý quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân, đa số đại biểu tán thành quy định nhiệm vụ chung cho lực lượng công an nhân dân như dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì công an nhân dân gồm hai lực lượng là cảnh sát nhân dân và an ninh nhân dân, mỗi lực lượng có chức năng riêng biệt. Quy định như vậy giúp phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn chung của công an nhân dân và của từng lực lượng, nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định của các luật khác.

Về tổ chức của công an nhân dân, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng công an xã trong dự thảo Luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho lực lượng này triển khai thực thi công vụ. Bởi thực tế hiện nay cơ cấu tổ chức, biên chế của công an xã thuộc chính quyền cơ sở, chỉ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của công an cấp trên.

Về hệ thống chức vụ trong công an nhân dân, dự thảo Luật quy định Giám đốc Công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá; Giám đốc Công an các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Giám đốc Công an các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì đây là những tỉnh dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp.

Đối với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt nên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Một số đại biểu nêu ý kiến, việc quy định cấp bậc cao nhất đối với từng tỉnh, thành phố như vậy quá chi tiết, khiến Luật chỉ phù hợp với thời điểm hiện tại, mà không có giá trị lâu dài.

Cho ý kiến về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị nên quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong công an nhân dân, để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm phù hợp với cơ cấu tổ chức của công an nhân dân.

“Dự thảo Luật liệt kê các chức vụ được mang cấp bậc hàm trung tướng như cục trưởng các cụ đối ngoại, pháp chế, cải cách hành chính và mang cấp bậc hàm thiếu tướng như giám đốc trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh công an nhân dân. Tờ trình của Chính phủ cho rằng đây là thủ trưởng các đơn vị giúp Bộ trưởng Công an tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng an ninh quốc gia cho toàn ngành. Ủy ban Tư pháp cho rằng lực lượng này chưa thực sự thuyết phục. Tờ trình của Chính phủ chưa chỉ ra được nhu cầu phong, thăng cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng mới đảm bảo thực hiện tốt công việc được giao” – ông Nguyễn Văn Hiện nói.

Cũng tại phiên họp, đại biểu còn cho ý kiến về quy định thời hạn công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, thời hạn xét thăng cấp bậc hàm và thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm trong công an nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO