UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

23/04/2014 09:13

Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Nhiều ý kiến tại phiên họp đồng tình với cơ quan soạn thảo (Tòa án Nhân dân tối cao - TANDTC) và cơ quan thẩm tra về việc phát triển án lệ, phù hợp với chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

* Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 24/6/2014

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện lưu ý: “Ở Việt Nam, “án lệ” cần có đặc thù. Khác với nhiều nước trên thế giới có án lệ, trong hệ thống pháp luật nước ta, cần quy định theo hướng: quyết định giám đốc thẩm của TANDTC được coi là án lệ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các tòa án khác nghiên cứu tham khảo và làm theo”.

Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết thêm, nhiều năm nay TANDTC đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của tòa án các cấp, hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của TANDTC và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đây là hình thức rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần tiếp tục phát huy.

Đa số ý kiến tán thành với việc quy định kéo dài tuổi làm việc của thẩm phán TANDTC. Cụ thể, áp dụng khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động, thẩm phán TANDTC là nam làm việc không quá 65 tuổi, là nữ làm việc không quá 60 tuổi. Đối với các thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định tại khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Đồng thời, quy định rõ: “Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo”.

Chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) để xin ý kiến UBTVQH.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của luật hiện hành nhưng bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng pháp luật đầu tư, theo Điều 5 dự thảo luật, hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ quan tâm đến quy định về các lĩnh vực cấm đầu tư. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, quy định tại dự thảo luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện luật. Do vậy để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo luật.

Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông nhận xét: “Cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đọc xong dự thảo luật này, nhà đầu tư cũng không biết cái gì mình không được phép làm, những lĩnh vực có điều kiện thì ai quy định những điều kiện ấy. Nếu Luật Đầu tư vẫn “bắt” nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch chưa, thật sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư chưa?”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ông đã có trong tay danh mục vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng mới là tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa phân tích đầy đủ về tính hợp lý của các quy định này.

“Chúng tôi đang cho rà soát tiếp, đối chiếu để đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp. Tôi rất đồng tình về yêu cầu hạn chế tối đa các lĩnh vực cấm và có điều kiện để dự thảo Luật Đầu tư lần này có thể tạo ra một làn sóng đầu tư mới như Luật Đầu tư năm 2005 đã làm được” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết.

Triệu tập kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

UBTVQH vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII. Theo đó, kỳ họp chính thức khai mạc vào ngày 20/5/2014 và dự kiến bế mạc vào ngày 24/6/2014 tại Hà Nội.

So với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã được QH quyết định, dự kiến các dự án luật, nghị quyết trình QH tại kỳ họp thứ 7 đã được điều chỉnh. Theo đó, bổ sung nội dung trình QH cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch; thông qua 2 nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); xem xét việc thi hành khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 7 sẽ chưa trình QH cho ý kiến 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) để có thêm thời gian cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO