UBTVQH cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015

Nguồn VOV| 24/04/2014 08:59

Sáng 23/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

ADQuảng cáo

Tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng, cần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật cho phù hợp với Hiến pháp trước khi trình UBTVQH và Quốc hội xem xét, thông qua. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, để thi hành Hiến pháp sửa đổi cần ưu tiên bổ sung vào Chương trình năm 2014 các dự án luật về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan. Năm 2015 tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, nhất là về thể chế kinh tế, quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo thẩm tra

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ  đề xuất Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến khoảng 10 đến 15 ngày vào cuối tháng 7/2015. Theo phương án này, Chính phủ đề xuất 38 dự án và pháp lệnh. Phương án 2 là Quốc hội chỉ họp 2 kỳ như hiện nay. Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng 34 dự án và pháp lệnh.

Tại phiên họp, đa số đại biểu không tán thành với phương án tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề bởi như vậy sẽ gây tốn kém về tài chính và mất thời gian. Các đại biểu đề nghị chỉ tổ chức 2 kỳ họp như hiện này và có thể kéo dài kỳ họp để có thêm thời gian cho ý kiến vào các dự án luật. Theo một số đại biểu, các dự án luật cần được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình UBTVQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn không tán thành với cả hai phương án mà Chính phủ trình bởi số lượng dự án trình quá nhiều sẽ mất rất nhiều thời gian các phiên họp của UBTVQH và kỳ họp Quốc hội.

Theo Tờ trình, Chính phủ xin lùi thời hạn trình 2 dự án là: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của hai dự thảo Luật này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hai dự án luật này có ảnh hưởng, tác động đến nhiều hoạt động khác như việc xây dựng dự toán ngân sách cần xem xét thông qua sớm.

* Chiều cùng ngày, UBTVQH đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, các ban của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

ADQuảng cáo

Dự thảo Nghị quyết có 24 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm nâng cao việc tiếp công dân, cũng như tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội, các ban của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, Dự thảo quy định rõ về nơi tiếp công dân của Quốc hội, không hạn chế đại biểu Quốc hội tiếp công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết tiếp công dân

Theo đó, ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu.

Về nơi tiếp công dân, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng và trong trường hợp "cần thiết" là trường hợp nào. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền góp ý: “Cần nêu rõ điều kiện để đại biểu tiếp công dân. Quy định như dự thảo là quá rộng, đại biểu Quốc hội khó thực hiện. Tiếp công dân theo sự phân công của Đoàn, Ủy ban thì có thể thực hiện. Nếu quy định tiếp ở đâu cũng được thì đại biểu Quốc hội không thể sống nổi và gây sức ép với các đại biểu, đặc biệt là Ủy ban Tư pháp bởi một năm tiếp nhận từ 5.000 đến 7.000 đơn thư”.

Để khắc phục tình trạng đơn, thư khiếu nại lòng vòng trong các cơ quan của Quốc hội, có ý kiến đề nghị khi nhận được đơn, thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý: “Đại biểu Quốc hội hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội khó biết hết các quyết định hành chính không liên quan trực tiếp tới quyền lợi ích của người khiếu nại hay nội dung trùng lặp đã được cơ quan Quốc hội chuyển đến cá nhân nhưng chưa hết thời hạn giải quyết… Khó có thể biết được điều này để có quyền không chuyển. Nếu quy định như vậy thì khiếu nại, tố cáo còn triền miên. Dự thảo cần quy định chặt chẽ để có tính khả thi khi thực hiện”.

Về phạm vi điều chỉnhdự thảo lược bỏ quy định về “Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” vì nội dung giám sát đã được quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

Cũng trong phiên họp chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục góp ý sửa đổi, bổ sung để Nghị quyết được triển khai hiệu quả, phù hợp với Hiến pháp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO