Tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ

Trần Văn Hoạt| 27/07/2016 10:49

Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Mọi tư tưởng, tình cảm của Người đều hướng vào mục đích: Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc; hướng vào con người, vì con người, đặc biệt là đối với thương binh và gia đình liệt sĩ.  

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trại điều dưỡng Bắc Ninh. Ảnh tư liệu

Ngay từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước đang cảnh thù trong, giặc ngoài, với bao công việc bộn bề nhưng Bác vẫn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong thư gửi tới đồng bào Nam bộ năm 1946, Người đã viết: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”, với mục đích: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập, Thống nhất của nước nhà”.

Năm 1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sĩ của nước ta; Người cũng đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” (Từ năm 1955 được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ) để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước.

Nhân “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” (27/7) hằng năm, Người đều viết thư bày tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã bỏ thân vì nước, đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Người luôn mong muốn công việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ phải trở thành phong trào rộng khắp, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, chứ không phải là việc làm phúc.  

Từ tư tưởng, tình cảm, nhận thức đến hành động, Người luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Bác Hồ có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, như: Năm 1948, Người phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản để các cháu thiếu niên, nhi đồng giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ; Năm 1951, Bác Hồ đã phát động phong trào “đón thương binh về làng” với những nội dung cụ thể, rõ ràng, thiết thực.

Tình cảm của Bác với thương binh, liệt sĩ không chỉ thể hiện qua lời kêu gọi, qua việc phát động các phong trào, mà Người còn tiên phong gương mẫu thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bản thân Người xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa, 1 tháng lương… và nhiều lần gửi tiền tiết kiệm, nhuận bút của mình ủng hộ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước. Người dành thời gian nhiều lần đến thăm anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện và đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người trong Phủ Chủ tịch. Trước lúc đi xa, Người đã để lại Di chúc, căn dặn rất cụ thể đối với Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách quan tâm, chăm lo tới các thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ là chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người. Ở Bác, lòng thương người phát triển với mức độ cao; nó gắn liền với việc thực hiện các quyền cơ bản về sự phát triển toàn diện của con người. Tình thương người của Bác thể hiện ở sự đồng cảm với những người thân trong gia đình mất con, em vì hy sinh cho Tổ quốc, nhưng rất đỗi tự hào vì được “Tổ quốc ghi công”.

Lòng thương người gắn với lòng kính yêu thương binh, liệt sĩ quyện chặt vào nhau, nâng cao ý thức giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của đất nước, dân tộc. Tính nhân văn trong tư tưởng của Bác Hồ về thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước, cho dân tộc.

Học tập và làm theo Bác Hồ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội, góp phần tích cực chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO