Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập

Nguyễn Duy Xuân| 01/09/2015 14:15

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ đó đến nay, 70 năm đã trôi qua, những thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước đã minh chứng cho những tư tưởng bất hủ và giá trị văn hóa - lịch sử - thời đại của Tuyên ngôn Độc lập. Một trong những tư tưởng lớn được Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc, đầy sức thuyết phục trong Tuyên ngôn Độc lập là tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, Người trích dẫn những tư tưởng lớn của nhân loại được thể hiện qua hai bản văn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp. Người xem đó là những cơ sở pháp lý không thể chối cãi để khẳng định quyền con người của dân Việt Nam – một dân tộc từ bùn đen nô lệ đã vùng lên chiến đấu giành cho mình “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Không ai, không một thế lực đen tối nào có thể tước đi những quyền lợi chính đáng ấy mà tạo hóa đã ban cho con người.

Hồ Chí Minh trích dẫn những tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp để khẳng định quyền con người là cao cả, nhưng quan trọng hơn, thiêng liêng hơn đối với Người lúc này là quyền dân tộc. Bởi thế, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới, ngay sau khi trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Người đã cụ thể hóa và khẳng định một cách dứt khoát tư tưởng lớn của thời đại từ một câu “suy rộng ra”: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó có thể nói là đóng góp xuất sắc của Hồ Chí Minh cho tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã nâng lên một cấp độ cao hơn: Quyền dân tộc. Tư tưởng ấy cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Tám đã mở màn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh nửa sau thế kỉ XX.

Ảnh tư liệu

Trong nửa sau bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền dân tộc bình đẳng mà dân Việt Nam có quyền được hưởng như là một sự thật hiển nhiên, bởi nó đã được đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ người Việt kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược cho đến khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai mà các nước đồng minh không thể không công nhận.

Bởi thế, Hồ Chí Minh khẳng định một cách trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.” Quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc đã ý thức được sâu sắc quyền thiêng liêng ấy: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Quyết tâm ấy của cả dân tộc đã được hiện thực hóa trong suốt ba mươi năm sau đó bằng hai cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ và giải phóng đất nước. Một trận Điện Biên “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” và một Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đưa dân tộc ta lên ngang tầm thời đại. Một dân tộc từ đêm trường nô lệ đã vùng lên “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định vị thế bình đẳng cùng các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.

Trong một lần trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Câu nói ấy của Người đã hàm chứa hai tư tưởng lớn của thời đại mà Người đã đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập: Quyền con người và quyền dân tộc. Quyền dân tộc đã được giải quyết bằng cuộc Cách mạng tháng Tám, còn quyền con người thì phải trải qua một quá trình lâu dài mới có thể xác lập và thực thi một cách đầy đủ thông qua việc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, trong mỗi con người; thông qua việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Học sinh Trường Dân tộc nội trú N'Trang Lơng. Ảnh: Ngọc Tâm

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời ngày 3/9/1945, một trong sáu vấn đề cấp bách mà Hồ Chí Minh nêu ra là tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm càng tốt với mục đích để nhân dân thực hiện quyền tự do chính trị của mình bầu ra một Quốc hội, và Quốc hội này có quyền thông qua một bản Hiến pháp ghi nhận quyền tự do và dân chủ cho nhân dân.

Bản Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua một năm sau đó đã xác lập quyền con người của dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản của con người: Quyền được bình đẳng về mọi phương diện; quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín và nhà ở; quyền tư hữu tài sản, quyền học hành; quyền bầu cử, ứng cử, quyền phán quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia; …

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO