Tự hào đã góp sức viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc!

Hoàng Bảo| 30/04/2020 08:49

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thời khắc lịch sử 30/4/1975 luôn là niềm tự hào, ký ức không thể nào quên đối với những người lính từng tham gia chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem lại nền hòa bình, độc lập, tự do muôn đời cho toàn dân tộc Việt Nam.

Rất thiêng liêng và rất đỗi tự hào

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử, hiện ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông thuộc lực lượng công binh, Đại đội 17 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Ngày 29/4/1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tiến vào Sài Gòn bằng cơ giới phối thuộc. Trên đường tiến quân, trải qua không biết bao nhiêu hiểm nguy, có những lúc tưởng như cái chết cận kề, nhưng những người lính như ông vẫn cố gắng vượt qua để tiến về giải phóng Sài Gòn.

Chiến tranh lùi xa, nhưng CCB Nguyễn Văn Sử chưa bao giờ quên thời khắc 30/4/1975 khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất

Ông Sử cho biết: “Sáng ngày 30/4/1975, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Quá trình tiến về Sài Gòn, đồng đội tôi đã thương vong không ít. Nhìn anh em hy sinh, lòng căm thù giặc của chúng tôi càng hừng hực, quyết tâm đánh đâu thắng đó để trả thù cho đồng đội. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi đã được cấp trên cho mở mũi đột phá bằng sức mạnh tổng hợp, quá là vinh dự, tự hào”.

Khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, ông Sử cùng đồng đội vỡ òa sung sướng, lúc này trong đầu ông chỉ có hình ảnh của mẹ và quê hương. Đất nước hòa bình, thống nhất như ngỡ trong mơ, bất ngờ quá và thật hạnh phúc, nhiều năm tham gia chiến đấu, ông chưa lần nào nghĩ chiến thắng lại nhanh đến vậy.

Ông Sử tâm sự: "Hòa bình, thống nhất của đất nước không dễ gì có được, phải đánh đổi bằng xương máu, hy sinh của bao nhiêu người. Do đó, tôi cảm thấy rất thiêng liêng, rất đỗi tự hào vì tuổi xuân của thế hệ mình đã góp sức viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hãy cố gắng giữ gìn, bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị của nền độc lập, hòa bình hôm nay”.

Nghẹn ngào không nói được

Cựu chiến binh Vũ Đình Dẫu, ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), nguyên là lính thuộc Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 209, Công trường 7). Năm 1975, ông Dẫu tham gia chiến đấu ở thị xã Long Khánh. Sau khi địch bỏ chạy khỏi Long Khánh, đơn vị ông tiếp tục đánh đuổi đến ngã ba Dầu Giây (Hố Nai, Biên Hòa).

Cựu chiến binh Vũ Đình Dẫu luôn nhớ về thời khắc lịch sử 30/4

Ông Dẫu cho biết: “Sau khi giành chiến thắng ở Long Khánh, cán bộ cấp trên xuống động viên chúng tôi là thời khắc giải phóng miền Nam đang đến gần, chỉ còn tính theo ngày, theo giờ, các đồng chí hãy cố lên, quyết tâm giải phóng miền Nam. Nói thật, lúc ấy nghe nói vậy, chúng tôi không tin đâu, nhưng không ai nói ra hết. Bởi chúng tôi nghĩ, cuộc chiến còn ác liệt lắm, ta quân ít, lại thương vong nhiều, nên giải phóng sẽ không nhanh như vậy”.

"Vậy nhưng, chiến thắng lại đến rất nhanh như dự báo. Lúc nghe tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi nửa tin nửa ngờ, mừng quá, vui quá đến nỗi nghẹn ngào không nói được, chỉ nhìn nhau rồi ôm nhau, vỗ tay, reo hò liên tục. Sau sự vỡ òa niềm vui ấy, chúng tôi lại tiếp tục nhận lệnh vào tiếp quản Sài Gòn và được người dân dẫn đường, chở vào tận nơi”, ông Dẫu cho biết thêm.

Cho đến tận bây giờ, 45 năm đã trôi qua, thời khắc lịch sử 30/4, với bao niềm hân hoan, men say chiến thắng vẫn như còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Dẫu. Ông tâm sự: "Sống để nhớ, để nhắc lại, chết cũng mang theo”.

Được đền bù xứng đáng bằng niềm vui tột cùng

Những ngày cuối tháng 4/1975, cựu chiến binh Ngô Duy Môn hiện ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung chiến đấu trong Tiểu đoàn 502 (Quân khu 9) với nhiệm vụ chính là phối hợp với lực lượng địa phương đánh chiếm đồn bốt ở thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Môn, trong cuộc chiến này, đơn vị ông trải qua nhiều vất vả, hy sinh, nhưng không ai bỏ cuộc mà kiên trì chiến đấu đến cùng. Do Đồng Tháp miền sông nước, nên hầu hết các trận đánh, đơn vị ông đều phải lội nước, đỉa trâu, muỗi cứ bám riết lấy người. Những ngày chiến đấu, các ông chưa lần nào dám nghĩ có thể trở về quê hương, bởi chiến tranh thì sự hy sinh, mất mát là điều khó tránh khỏi.

Dù đã qua nhiều năm, CCB Ngô Duy Môn luôn thương nhớ đồng đội đã hy sinh, không được hưởng trọn niềm vui thống nhất

Ông Môn cho biết: “Ngày 30/4/1975, khi nghe đài thông báo giải phóng Sài Gòn, chúng tôi mới dám nghĩ đến sự sống, nghĩ đến quê nhà. Bao nhiêu hiểm nguy, gian khó cũng được đền bù xứng đáng bằng niềm vui tột cùng. Chúng tôi người khóc, người cười ăn mừng chiến thắng và lại khóc vì thương đồng đội mãi nằm lại nơi chiến trường, không được hưởng niềm vui đất nước thống nhất. Thương nhớ đồng đội, đầu năm 2020, tôi đã trực tiếp về Đồng Tháp để tìm mộ của đồng đội mình, nhưng do địa hình qua thời gian thay đổi quá nhiều, nên vẫn chưa tìm lại được. Quả thật, cho đến bây giờ, cũng như nhiều đồng đội từng trải qua giai đoạn chiến tranh máu lửa, thời khắc 30/4 lịch sử mãi là dấu ấn khắc sâu trong lòng, tôi không thể nào quên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào đã góp sức viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO