Trần Văn Thời - người tham gia mở đường chiến lược Bắc Nam được công nhận Liệt sĩ

Tường  Mạnh| 03/08/2022 09:37

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trần Văn Thời - người chiến sĩ của Đoàn B.90 thực hiện nhiệm vụ mở đường hành lang chiến lược Bắc - Nam hơn 60 năm về trước.

Bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ: Liệt sĩ Trần Văn Thời, Thượng sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; quê quán xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vào ngày 25/9/1960.

Ảnh: Tin nhanh Đắk Nông

Về sự kiện chiến sĩ Trần Văn Thời hy sinh, ông Lý Công Kỉnh - một trong những cán bộ cách mạng đầu tiên từng tham gia khai thông đường chiến lược Bắc-Nam năm xưa, sau này sống ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) hiện đã mất có lẽ hiểu rõ nhất. Trước khi ông Kỉnh mất ít lâu, tôi đã có dịp may mắn gặp và được nghe ông kể bao nhiêu chuyện về chuyến xoi đường huyền thoại năm xưa.

Theo lời ông Kỉnh kể, vào tháng 5/1959, ông được Trung ương cử tham gia vào đoàn cán bộ gồm 25 người mang mật danh Đoàn B90 có nhiệm vụ mở tuyến hành lang chiến lược Bắc-Nam, vừa nối liên lạc giữa các cán bộ cách mạng ở vùng Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, vừa xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đoàn do đồng chí Trần Quang Sang làm Trưởng đoàn, kiêm Bí thư Chi bộ; Phó đoàn là đồng chí Phùng Đình Ấm.

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Kỉnh đó là vào khoảng cuối tháng 9/1960, sau gần 1 năm đến Tây Nguyên, Đoàn B90 từ phía Bắc vào đã bắt liên lạc được với cánh quân từ miền Đông Nam bộ sang tại khu vực sông Đồng Nai (vùng suối Đắk R’tíh, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa ngày nay).

Buổi chiều hôm đó, để làm tin cho nhau, mỗi bên phải cử một người bơi qua sông. Phía Đoàn B90 cử đồng chí Trần Văn Thời bơi sang, nhưng do đang là mùa mưa nên nước sông Đồng Nai lên rất cao, cuồn cuộn chảy đã cuốn trôi đồng chí Thời, không ai cách gì cứu kịp. Hai bên bắt liên lạc được với nhau, nhưng ngay tại địa điểm này, Đoàn B90 đã phải hy sinh mất một đồng đội trung kiên mới tuổi đôi mươi. Đây cũng chính là mốc thời gian đáng nhớ, đánh dấu con đường hành lang chiến lược Bắc-Nam bắt đầu được khai thông. Nó không những tạo ra tuyến liên lạc thông suốt giữa các vùng, miền với nhau mà còn là tiền đề để xây dựng được lực lượng, cơ sở cách mạng rộng khắp trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Suốt trong những năm tháng sau đó, tuyến hành lang Bắc-Nam (Đường Hồ Chí Minh) đi qua vùng đất Tây Nguyên đã nổi tiếng với những hoạt động đầy hiệu quả như đưa đón cán bộ cách mạng, lực lượng bộ đội chính quy, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; tổ chức sản xuất tại chỗ để tự túc lương thực và tiếp tế cho bộ đội, phục vụ kháng chiến; tổ chức xây dựng lực lượng, cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia sản xuất, chiến đấu bảo vệ bon làng, bảo vệ cách mạng…

Sau một thời gian tham gia công tác chính quyền, khi về già, ông Lý Công Kỉnh sống đạm bạc với gia đình, vợ con, chăm lo nương rẫy, ruộng vườn như bao đồng bào khác ở bon Bu Kol. Trong câu chuyện của ông lúc đó, tôi nhận thấy ông chỉ day dứt một điều đó là mong muốn làm sao xây dựng một tấm bia tưởng niệm tại địa điểm mà hai cánh quân bắt được liên lạc với nhau tại phía bên này sông Đồng Nai. Theo ông Kỉnh tâm sự, điều này có một ý nghĩa rất lớn, không chỉ đánh dấu một vị trí lịch sử mà còn tưởng nhớ đến người đồng đội Trần Văn Thời cũng như bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh  anh dũng trên tuyến đường chiến lược Bắc-Nam lịch sử.

Hòa bình lập lại, đồng đội đã tìm lại chiến trường xưa, đề nghị công nhận Liệt sĩ cho bác Trần Văn Thời. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực lập hồ sơ, nhưng do chiến tranh, giấy tờ thất lạc, nên việc đề nghị công nhận có nhiều khó khăn. Cuối cùng, sự nỗ lực đó đã thành hiện thực, nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), chiến sĩ Trần Văn Thời đã được Đảng, Nhà nước công nhận là Liệt sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, tên tuổi của Liệt sĩ Trần Văn Thời trước đó đã được ghi nhận trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, Lịch sử Đoàn B.90 - C.200- C.270.

Đặc biệt, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vào ngày 30/10/2017, Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ khai thông Đường Hồ Chí Minh được tỉnh Đắk Nông tổ chức một cách trọng thể tại bon Cây Xoài (thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa). Đây là sự kiện thể hiện sự tôn vinh và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ khai thông Đường Hồ Chí Minh-con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trần Văn Thời - người tham gia mở đường chiến lược Bắc Nam được công nhận Liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO