Tình trạng chậm giải quyết các thủ tục hành chính: Đang gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp

Bình Minh| 29/01/2015 09:23

Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp nêu ý kiến nhiều nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Trong đó, các ý kiến cho rằng, một số cán bộ ở các sở, ngành có thái độ thờ ơ, gây nhũng nhiễu, cũng như chậm giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thực trạng này đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và cần sớm được chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Chư Jút) cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính của doanh nghiệp phải trực tiếp đi đi, lại lại ít nhất từ 4 lần trở lên mới giải quyết xong được. Trụ sở của doanh nghiệp cách trung tâm hành chính của tỉnh khá xa nên thực trạng này đã gây khá tốn kém cho đơn vị cả về thời gian, chi phí, cũng như công sức bỏ ra”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư-Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song) cũng nêu rằng: “Vừa qua, doanh nghiệp có gửi hồ sơ về các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của một sở chức năng của tỉnh, sau đó được xem qua và viết giấy hẹn sau 15 ngày sẽ đến nhận kết quả. Tuy nhiên, đến ngày thứ 14 thì cán bộ ở bộ phận “một cửa” này gọi điện thông báo rằng, hồ sơ còn thiếu cái này, cái nọ nên chưa giải quyết được. Vì thế, nhằm đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp, tôi buộc phải đến gõ cửa từng phòng chức năng của sở, ngành liên quan để giải quyết trực tiếp thì hồ sơ mới được hoàn thành. Qua thực tế, tôi thấy, cán bộ ở một số sở, ban, ngành liên quan có thái độ thờ ơ, thiếu sự nhiệt tình với doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Một số người có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, gây phiền hà và khó dễ cho các doanh nghiệp khi đến giao dịch”.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Bốn cũng thừa nhận rằng: “Tình trạng một số cán bộ ở bộ phận “một cửa” “một cửa liên thông” của các sở có liên quan gây nhũng nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với doanh nghiệp là có thật. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những người đứng đầu của các sở, ngành thiếu gương mẫu hoặc chỉ đạo và xử lý không nghiêm những cán bộ ở cấp phòng gây khó dễ, vòi vĩnh tiền của doanh nghiệp. Vừa rồi, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tiến hành thanh tra 5 sở, ngành trong việc chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và sắp tới sẽ có hướng chỉ đạo để xử lý”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Phó trưởng Phòng Sau đại học-Quản lý khoa học (Trường Đại học Kinh tế-Luật thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) thì qua khảo sát, nghiên cứu thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá thấp về thủ tục thuế, phí; quy trình thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động của môi trường. Hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh doanh nghiệp chỉ được đánh giá ở mức độ trung bình, đạt 2,85/5 điểm.

Thực tế, trong thời gian qua, doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ tốt đến giai đoạn cấp phép đầu tư. Các khâu còn lại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để triển khai dự án. Vì thế, chi phí thời gian và việc hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh có số điểm thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên.

Mặc dù doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao môi trường đầu tư ở các khía cạnh chi phí nguyên vật liệu, nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, khí hậu, ban hành chính sách, thời gian cấp phép…nhưng lại đánh giá thấp ở các khía cạnh thị trường tiêu thụ, cơ sở hạ tầng, nhất là thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả khảo sát chung về tính hấp dẫn và sự hài lòng của doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh cũng khá thấp. Kết quả cụ thể, có tới 37% doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng, môi trường đầu tư của tỉnh kém hoặc không hấp dẫn và 36% không hài lòng hoặc hài lòng kém về môi trường đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đình Đạo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh thì việc hỗ trợ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là ở các khâu về đất đai, xây dựng, môi trường… còn xảy ra. Đây thực sự là những thách thức không nhỏ của doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Trước thực trạng này, nhiều nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính để hỗ trợ đắc lực hơn cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Các cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” cần nâng cao hơn nữa về năng lực chuyên môn và nhiệt tình trong giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó, việc cần rà soát lại quá trình thực thi các thủ tục liên quan đến khâu thẩm định báo cáo tác động môi trường, thủ tục thuế và định giá cho thuê, giao đất.

Tỉnh cũng cần có cơ chế kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nếu làm tốt việc này thì tỉnh sẽ khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư lớn khi đến tìm hiểu, làm ăn trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh nên sớm thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ thẩm quyền để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đề xuất của các doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng chậm giải quyết các thủ tục hành chính: Đang gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO