Tinh thần quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam bộ kháng chiến: Vẫn còn nguyên giá trị

Bình Minh| 21/09/2017 13:24

Cách đây 72 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai.

Quân dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng bước vào thời kỳ kháng chiến trường kỳ. Ngày nay, tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của quân và dân ta trong Ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng Việt Nam.

Quân và dân Nam bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, tháng 9/1945. Ảnh tư liệu

Sáng 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ họp khẩn cấp phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến. Chiều cùng ngày, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Ngày 24/9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhiều tỉnh ở Nam bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về thành phố góp sức với nhân dân Sài Gòn. Thanh niên khắp mọi miền nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến được thành lập, gấp rút lên đường. Cả dân tộc sôi sục quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, nhân dân miền Nam đã dũng cảm chiến đấu với kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân.

Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam bộ danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc. Xứng danh Thành đồng Tổ quốc, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam đã cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công chói lọi, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối, đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.

72 năm qua đi nhưng tinh thần bất khuất, mốc son sáng ngời về ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, tinh thần chiến đấu quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam bộ kháng chiến tiếp tục là động lực cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần kháng chiến dũng cảm, xả thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Ngọn lửa Ngày Nam bộ kháng chiến năm xưa sẽ vẫn tiếp tục được thắp lên trong công cuộc bảo vệ,  xây dựng đất nước, quê hương hôm nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau 31 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm thông qua sự trăn trở, đấu tranh gian khổ giữa cái cũ và cái mới.

Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp, không thể xem thường. Vì thế, việc phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc như tinh thần của Ngày Nam bộ kháng chiến cần tiếp tục được nâng cao. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam bộ kháng chiến: Vẫn còn nguyên giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO