Tinh thần quật cường của quân và dân Nam bộ

H.V ( “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”)| 23/09/2014 09:05

Nam bộ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 25/8/1945. Chỉ 28 ngày sau, quân viễn chinh Pháp theo chân quân Anh (vào miền Nam giải giáp quân Nhật sau khi Nhật đầu hàng), đã đánh chiếm các cơ sở quan trọng của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Tiến đánh Sài Gòn thực dân Pháp muốn tái diễn kịch bản của một thế kỷ trước, chiếm miền đất trù phú, đông dân này để làm bàn đạp thôn tính cả Việt Nam, cả Đông Dương. Thế nhưng họ đã lầm. Nam bộ của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã hoàn toàn chuyển đổi về chất: Từ thân phận người dân nô lệ đã thành người chủ đất nước, dù chỉ hưởng Độc lập non một tháng, nhưng những con người Việt Nam ở Nam bộ đó đã sẵn sàng nối tiếp gương anh hùng liệt sĩ ngàn xưa, xả thân cứu nước, sẵn sàng hy sinh giữ “Lời thề độc lập” mà họ đã cùng nhau hô vang tại quảng trường thành phố Sài Gòn ngày 2/9/1945.

Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, tháng 9/1945. Ảnh tư liệu

Ngay trong đêm 22/9/1945, quân dân tự vệ Sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết liệt đánh trả quân xâm lược. Sau khi “Lời kêu gọi kháng chiến” của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được truyền đi, nhân dân thành phố đã thực hiện “Vườn không nhà trống”, biến Sài Gòn thành một thành phố không điện, không nước, không chợ... Quân dân Sài Gòn đã hình thành 4 mặt trận bao vây nội đô: Mặt trận Thị Nghè, Mặt trận Bà Điểm - Tham Lương, Mặt trận Phú lâm, Mặt trận Nhà Bè - Cần Giuộc... Thực hiện phương châm “Trong đánh ngoài vây”, đội quân trang bị thô sơ đó đã làm đội quân viễn chinh nhà nghề Pháp phải điên đảo suốt hơn một tháng trong vòng vây của dân quân cách mạng.

Trận Thị Nghè nổi tiếng là một chiến thuật lấy yếu đánh mạnh: Dân quân du kích núp trên cành cây dày đặc trên đường Thị Nghè - Hàng Xanh, bất ngờ nhảy xuống tập kích diệt một số quân địch đang mò ra phá vòng vây, khiến địch bất ngờ hoảng loạn kéo chạy, bỏ lại cả súng đạn...

Cuộc kháng chiến của Sài Gòn - Nam bộ đã động viên cả nước tiếp sức: Chỉ ba ngày sau, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lời động viên quân dân Nam bộ trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ”. Chỉ sau 14 ngày, đoàn quân Nam Tiến đầu tiên chi viện cho Nam bộ do tướng Nam Long chỉ huy đã vào đến Thủ Đức (10/1945). Các đơn vị “hải ngoại” trang bị súng (lực lượng quân sự thành phần là con em bà con Việt kiều yêu nước, thành lập ở Cao Miên, Thái Lan, Lào), lần lượt về Nam bộ tham gia kháng chiến... Riêng khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập 6 “Đội công tác thành” chiến đấu trong lòng địch.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt từ 23/9/1945. Quân dân Nam bộ tuy chịu nhiều tổn thất hy sinh nhưng đã cầm chân quân viễn chinh Pháp, khiến chúng không thể nhanh chóng đưa quân ra chiếm miền Bắc. Cuộc kháng chiến Nam bộ đã tạo được thời gian 15 tháng cực kỳ quý báu cho cả nước chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến mà chúng ta biết là không thể tránh khỏi. Và bằng cuộc kháng chiến của mình, Nam bộ đã cùng cả nước góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại sau đó 9 năm; và chiến thắng quân Mỹ sau đó 30 năm.

Tinh thần chiến đấu quật cường, kinh nghiệm khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn thách thức của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần quật cường của quân và dân Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO